Bịa đặt, quấy rối
Sáng 21/10, một cá nhân công tác ở một bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ đến Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ phản ánh về việc bị người lạ nhắn tin, gọi điện, không những thế họ còn nhắn cho lãnh đạo và đưa cả ảnh cá nhân lên trang web của đơn vị đang làm việc để yêu cầu phải trả nợ, mặc dù cô và người thân trong gia đình không hề vay của bất cứ ai.
Lãnh đạo Sở TT&TT TP Cần Thơ nói với phóng viên Tiền Phong, vấn đề này thời gian gần đây đang phổ biến và phát triển trên địa bàn thành phố. Tiếp nhận phản ánh của cán bộ này, đơn vị sẽ tiến hành xác minh thông tin để xử lý theo quy định.
Ngoài trường hợp của cá nhân trên, còn không ít trường hợp tương tự khác, điển hình như bà N.T.M.H ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Bà H trình bày: “Vào ngày 23/9/2021, nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè và trên bình luận Facebook của tôi là những hình ảnh của tôi và con gái tôi kèm theo dòng chữ Tôi là đồng phạm với người vay nợ rồi không trả, cảnh giác với đối tượng này”. Bà H khẳng định không biết gì về số nợ này và không hề vay tiền của ai. Tài khoản Facebook của người đăng là H.T.
Đa số các công ty cho vay kiểu “tín dụng đen” đứng trong bóng tối thông qua những đầu số SIM rác trên mạng viễn thông di động và qua mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm người khác, nhằm tạo áp lực, bắt đối tượng vay phải trả nợ cho chúng. Hiện nay vấn đề này rất phổ biến và đang phát triển mạnh.
Ngoài ra, bà H cho biết thêm, cháu gái bà nhận tin nhắn hăm dọa nếu trả cho nó 12 triệu đồng thì nó sẽ gỡ ảnh và đính chính. “Nó nói sẽ tạm dừng phát tán vài bữa nếu không trả sẽ phát tán lên Facebook và gửi bạn bè tiếp tục 1 tháng để hủy hoại danh dự, sự nghiệp của tôi. Mấy ngày qua, vụ việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, danh dự, sức khỏe và tinh thần của tôi”, bà H bức xúc. Vấn đề này, Thanh tra Sở TT&TT đang phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an TP Cần Thơ điều tra, xử lý.
Nở rộ đòi nợ kiểu tín dụng đen
Mạng xã hội (MXH) mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng. Đồng thời, sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội vẫn có nhiều mặt tiêu cực, nếu người sử dụng không có ý thức hoặc cố tình. Đó là việc đưa các thông tin giả, bịa đặt, sai sự thật trên MXH khiến nhiều người hoang mang, lo sợ, thậm chí còn có những việc làm gây nhiều tác động, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.
Lãnh đạo Thanh tra Sở TT&TT TP Cần Thơ cho biết, thời gian gần đây, bọn xấu đẩy mạnh việc đưa những thông tin giả, thông tin xấu với mục đích xuyên tạc, vu khống, bịa đặt. Điển hình là dùng mạng xã hội với mục đích quảng cáo cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, rồi đe dọa đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, mặc dù cá nhân đó hoàn toàn không vay mượn tiền bạc gì cả. Hình thức là một cá nhân nào đó, có người bạn hay người thân trong gia đình vay nợ bên ngoài của các công ty cho vay nợ với thủ tục đơn giản chỉ cần chứng minh nhân dân hay giấy tờ khác.
Khi đối tượng vay bỏ trốn, không trả nợ, những người có thông tin liên quan mà công ty đó biết, sẽ gọi điện, nhắn tin, đưa thông tin lên mạng để tạo áp lực cho người kia phải nhắc đối tượng đã vay trả nợ. “Chúng tôi gặp khó khăn trong xử lý vấn đề này, bởi vì những đối tượng sử dụng mạng xã hội nước ngoài thường truy tìm rất khó; hoặc khi tra cứu thì phát hiện ra là đối tượng sử dụng sim rác của các nhà mạng di động. Ngoài ra, các văn bản pháp luật quy định trong xử lý vấn đề này còn hạn chế nên cơ quan thực thi gặp nhiều khó khăn trong xử lý”, vị lãnh đạo Sở TT&TT TP Cần Thơ cho hay.
Theo Sở TT&TT TP Cần Thơ, để tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, cần có sự thống nhất về quan điểm, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý mạng internet, mạng xã hội hữu hiệu hơn. Đồng thời, cần có biện pháp quy định chặt chẽ, kiên quyết để bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ nghiêm pháp luật của Việt Nam về an ninh mạng; cần phát triển ít nhất 1 mạng xã hội riêng trong nước, có đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu thông tin cần thiết của người dân, có chất lượng nhằm thu hút người sử dụng trong nước, qua đó, giảm thiểu các tác động tiêu cực của thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội của nước ngoài. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin trên mạng.