Quanh thông tư về sữa học đường: Nên khép lại chỉ trích ác ý

Với những người chỉ biết chỉ trích, vùi dập vô căn cứ, hẳn họ chỉ muốn triệt hạ sản phẩm sữa Việt để thị trường chỉ còn là sữa ngoại khuấy đảo về giá như từng xảy ra
Với những người chỉ biết chỉ trích, vùi dập vô căn cứ, hẳn họ chỉ muốn triệt hạ sản phẩm sữa Việt để thị trường chỉ còn là sữa ngoại khuấy đảo về giá như từng xảy ra
TP - Ngày 5/12/2019, Bộ Y tế ban hành thông tư “quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường”. Thông tư là cơ sở để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chương trình sữa học đường theo chuẩn mực, phục vụ quản lý nhà nước theo chuyên ngành. 

Bộ Y tế ban hành thông tư này như là câu trả lời cuối cùng cho các trao đổi, tranh luận trên các phương tiện truyền thông về việc Nhà nước quyết định chọn chất gì để bổ sung vào sữa; để đảm bảo chương trình sữa học đường mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất nhân văn, đã được cân nhắc kỹ nhằm cải thiện chiều cao, trí tuệ trẻ em Việt Nam.

Từ cơ sở khoa học của sữa học đường

Điều đầu tiên có thể khẳng định, quyết định triển khai trương trình sữa học đường của các chính phủ trên thế giới xuất phát từ nhiều căn cứ. Cơ sở khoa học thực tiễn không ai phủ nhận được là tỷ lệ trẻ em thấp còi, chưa đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển. Cụ thể: Tại các nước sau khi thực hiện chương trình sữa học đường, thế hệ trẻ của họ đã cải thiện hẳn về chiều cao, thể chất, sức khỏe và trí tuệ…; Thực tế ở nước ta sau một thời gian dài kinh tế tăng trưởng cao, ở hầu hết các tỉnh, thành trẻ em đã được cải thiện điều kiện về ăn, chế độ dinh dưỡng, mặc, ở. 

Tuy nhiên, một tỷ lệ khá cao trẻ chưa thực sự được cải thiện về nguồn dinh dưỡng ổn định, nhất là trẻ em ở khu vực nông thôn. Với những gia đình ở trung tâm thủ đô và các thành phố lớn, điều kiện kinh tế tốt hơn, do đó yêu cầu về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ được đáp ứng, chăm sóc đầy đủ hơn. Tuy nhiên, khi chúng ta chỉ rời khỏi trung tâm nhiều thành phố lớn khoảng 10-15 km, sẽ dễ nhận ra trẻ nhỏ của đại đa số các gia đình còn gặp nhiều khó khăn; trẻ em rất cần được tăng cường bổ sung về dinh dưỡng nhưng không dễ được đáp ứng. Chương trình sữa học đường là con đường, cách thức tốt nhất để Chính phủ hỗ trợ, thể hiện trách nhiệm với thế hệ tương lai của đất nước. Sau quyết định rất được lòng dân - Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 phê duyệt Chương trình Sữa học đường,  sữa đã được đưa đến tay học sinh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. 

Cũng từ năm 2016, vấn đề bổ sung vi chất nào, bao nhiêu vi chất… vào sữa học đường để đạt được mục tiêu cải thiện chiều cao, thể chất, trí lực cho trẻ em, các cơ quan của Chính phủ, nhà khoa học, cha mẹ học sinh, những người quan tâm đến sữa học đường đã trình bày cơ sở khoa học, nêu quan điểm, lý lẽ tại nhiều phương tiện truyền thông, diễn đàn, hội thảo…Có thể nói, những bài viết bàn luận đều sôi nổi; ý kiến cán bộ nghiên cứu khoa học của cơ quan chuyên môn thuộc nhiều doanh nghiệp sữa tham gia chương trình sữa học đường, các nhà khoa học trong hiệp hội sữa…đã công khai và minh bạch. Trên cơ sở những nghiên cứu khoa học và trao đổi đó, trong thời gian khá dài, Bộ Y tế đã cân nhắc, tiếp thu, trao đổi và đi đến ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT, ngày 5/12/2019.  

Thông tư ra đời là kết quả của cả một quá trình tư duy, tạo lập và ban hành chính sách khá bài bản, chuẩn mực. Thông tư này không những được tư vấn, góp ý, thẩm định về chuyên môn trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế về lĩnh vực trẻ em, về thực phẩm, sản phẩm dành cho trẻ em tại Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, các chuyên gia đầu ngành của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế). Một Thứ trưởng Bộ Y tế thay mặt bộ này ký ban hành thông tư.

Trong Thông tư 31, có điều 4 quy định rõ ràng và thống nhất yêu cầu sử dụng 21 vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi,  để tất cả các doanh nghiệp đang và sẽ tham gia sản xuất sữa học đường cho trẻ em buộc phải tuân thủ. Khi thông tư ra đời, các quan chức của cơ quan quản lý chuyên ngành về thực phẩm sẽ không còn phải lẻ tẻ trả lời các câu hỏi “hóc búa” của nhà báo, nhất là mỗi khi ở tỉnh nào đó chương trình sữa học đường được triển khai. 

Theo nhiều chuyên gia, nếu thông tư này được ban hành sớm hơn thì ngay từ những tháng đầu năm 2019, các chuyên gia người có trách nhiệm của Bộ Y tế đã nhiều lần trả lời về vấn đề này. Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã khẳng định: Doanh nghiệp bổ sung cả chục vi chất vào sữa học đường là hoàn toàn đúng để hướng đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm… 

Sữa học đường - một chương trình nhân văn vì trẻ nhỏ, một chương trình do Thủ tướng ra quyết định ban hành (Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký), không thể có chuyện các nhà khoa học dễ dàng lơ là về cơ sở khoa học. 

Cho đến “khoa học” của chỉ trích

Nói về thể thức văn bản của Thông tư 31 và người ký ban hành văn bản, theo một chuyên gia chuyên ngành khoa học quản lý, trong quy trình ban hành chính sách, ở giai đoạn tiền chính sách, các vấn đề trước khi được quy định thành điều khoản, điều mục tại văn bản pháp quy để buộc các đương sự trong xã hội phải thực hiện, nó cần thiết được đưa ra bàn luận rộng rãi. 
Thực tế, hơn 2 năm qua, có hàng trăm bài báo, ý kiến của các nhà khoa học, dư luận xã hội đã được đăng tải trên các báo về cơ sở khoa học để bổ sung vi chất vào sữa học đường.

“Thẩm quyền ban hành chính sách công thuộc về cơ quan nhà nước. Một chính sách chặt chẽ được ban hành sau khi  cơ quan soạn thảo lắng nghe và cân nhắc các ý kiến đồng thuận và không đồng thuận, tiếp thu bổ sung ý kiến đóng góp của nhân sỹ, trí thức…để sửa chữa dự thảo chính sách cho hoàn thiện hơn. Khi chính sách được ban hành nếu vẫn còn những ý kiến không đồng thuận với điều khoản nào đó của chính sách, văn bản cũng là việc bình thường, bởi thực tế sẽ chẳng có chính sách công nào được xã hội đồng thuận tuyệt đối. Có điều, chính sách ban hành phải dựa trên nguyên lý thiểu số phục tùng đa số”, chuyên gia này cho biết và khẳng định: Trong trường hợp chính sách quy định về những yếu tố thuộc phạm vi chuyên môn sâu thì vấn đề đó phải được các nhà khoa học đầu ngành đang công tác tại cơ quan chức năng của Chính phủ đưa ra và chịu trách nhiệm… 

Quanh thông tư về sữa học đường: Nên khép lại chỉ trích ác ý ảnh 1 Facebooker B.K.T chửi người ký Thông tư 31 và “tút” quảng cáo thuê chửi

Về người ký văn bản pháp quy, với bất kỳ một chính sách nào được ban hành, thì cần nhận thức rõ rằng, người ký thông qua về bản chất chỉ là người có trách nhiệm, thay mặt cho tổ chức để thực hiện việc ký. Dư luận không thể, không nên hiểu họ ký ban hành chính sách với tư cách cá nhân. Việc dư luận đồng thuận hoặc không đồng thuận về vấn đề nào đó của người ký ban hành văn bản không liên quan đến hiệu lực của văn bản pháp quy của nhà nước. Ví dụ như, ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, tuyệt đại đa số thẻ nhà báo đang lưu hành do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ký. Ông Bắc Son giờ đang bị đưa ra xét xử, song thẻ nhà báo vẫn có hiệu lực trong thực tiễn.

Có rất nhiều người lên mạng xã hội chỉ trích, suy luận về việc một Thứ trưởng Bộ Y tế ký Thông thư 31 là vội vàng, là không xứng đáng, vì ông Cường không giỏi bằng nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến… là chưa hiểu sơ đẳng về nguyên tắc tổ chức, ban hành và hiệu lực của văn bản pháp quy.

Những ngày qua, trên mạng xã hội và cá biệt có cả những bài báo bị lỗi, đưa thông tin và bình luận chưa đúng bản chất vấn đề liên quan Thông tư 31 với những bình luận tiêu cực, thậm chí mang ý đồ tấn công, chia rẽ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sữa Việt; làm phương hại một số thương hiệu quốc gia là rất đáng tiếc. 

Trong một bình luận trên mạng xã hội, một KOLs từng làm trong giới truyền thông, đã giật tít cho rằng, cho trẻ em uống sữa giống như uống thuốc. Bài viết được 800 người like này dẫn nhiều thông tin ý kiến có vẻ rất khoa học và thực tiễn để phản đối Thông tư 31; trong đó có ý kiến của một PGS-TS và ý kiến của cháu facebooker B. K.Tr. “Một cháu chân yếu tay mềm là B.K.Tr bực quá phải quơ kiếm gỗ... Một ông Thứ trưởng không có quyền mang triệu triệu trẻ em học đường ra làm chuột bạch”. 

Quanh thông tư về sữa học đường: Nên khép lại chỉ trích ác ý ảnh 2  

Lần tìm đến trang facebook của B.K.Tr theo link ẩn của bài viết phản đối Thông tư 31 trên, thấy bài viết “Ông thứ trưởng vội vàng!”. Đọc kỹ hơn trang của B.K.Tr, dễ thấy các dòng trạng thái in đậm: “Nếu hem học đại học thì giờ làm gì ta??”; “Đang rảnh, lại vắng tiền. Có ai thuê mình chửi ai hem?? Giá hữu nghị nà!”.

Đọc đến 2 “tút” đó của cháu Tr, tôi không giám kết luận ý kiến của ông PGS TS và cháu Tr và KOL cho ra đời bài “Sữa học đường: cho trẻ em uống sữa như uống thuốc” có phải cùng động cơ hay không, song việc KOL mạng xã hội lôi kéo các cháu nhỏ “rảnh, vắng tiền”, mong chờ ai thuê chửi một cách vô thức là đang tiếp tay cho hành vi xấu và ác để làm 2 việc: 1-“đánh” hội đồng các doanh nghiệp sữa; 2-Gián tiếp thúc đẩy các hành vi cướp đi cơ hội của trẻ em được uống sữa học đường! 

Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về an ninh mạng cần được xem xét xử lý. 

Một chuyên gia ngành sữa cho rằng, nếu có nhóm người được thuê viết để phản đối sữa học đường bổ sung 21 vi chất thì sao họ không tìm hiểu xem sữa ngoài thị trường được bổ sung bao nhiêu vi chất? Và nếu cho trẻ em uống sữa bổ sung vi chất là biến các em thành chuột bạch thì trẻ em ở Việt Nam đang uống sữa lâu nay cũng là chuột bạch hết hay sao?

 Trong Thông tư 31, có những chi tiết được trích ra lý giải ngắn gọn nhưng rất khoa học. Ví dụ, trong điều 4 của thông tư, 3 vi chất là vitamin B12, vitamin B7, Iốt được nói rõ: “Không đưa ngưỡng tối đa vì hàm lượng vitamin B2, biotin đã có sẵn trong sữa ở mức cao và Iốt có sẵn trong sữa theo mùa vụ”. Điều này rất khoa học và thực tiễn, bởi theo nhiều nhà nghiên cứu về địa chất, với khu vực dân cư ở hạ du của những con sông thì không cần bổ sung Iốt vào muối hay đồ ăn, bởi trong nguồn nước chảy từ vùng cao hòa vào sông đã có Iốt…

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.