Quanh chuyện khách sạn làm nơi cách ly

Khách sạn Hòa Bình, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội được chọn làm nơi cách ly tập trung cho khách nước ngoài và một số trường hợp khác
Khách sạn Hòa Bình, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội được chọn làm nơi cách ly tập trung cho khách nước ngoài và một số trường hợp khác
TP - Khoảng gần 200 cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly tập trung, cách ly có trả phí trên cả nước theo thống kê do Bộ VHTTDL công bố ngày 25/3. Tuy vậy còn không ít băn khoăn xung quanh chuyện lựa chọn vị trí khách sạn, đáp ứng điều kiện y tế trong cách ly.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng ký văn bản số 1231 gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo danh sách cơ sở lưu trú du lịch được chọn vào việc cách ly phòng chống dịch. Ngày 5/3, Bộ thông báo tới 25 tỉnh, thành phố đề nghị lựa chọn, lập danh sách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ lưu trú cách ly người Việt Nam và người nước ngoài từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức có trả phí.

Tính tới hết 24/3, Bộ VHTTDL nhận được báo cáo của 24/25 tỉnh, thành phố (trừ Kiên Giang). Theo danh sách gửi về Bộ VHTTDL, cả nước có 156 cơ sở lưu trú với 14.723 buồng phòng, 18.305 giường có thể được sử dụng trong cách ly có trả phí. Đà Nẵng là địa phương có tới 41 cơ sở đăng ký, trong khi Hà Nội mới có ba cơ sở là khách sạn Hòa Bình, khách sạn Thăng Long và khách sạn Mường Thanh Xala.

Tiêu chí của các cơ sở cách ly này là giảm giá thuê phòng, dịch vụ đi kèm. Một số chủ cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng hạng 2 và 3 sao còn ủng hộ hoàn toàn cơ sở vật chất, một số cơ sở lưu trú 3, 4 sao đưa mức giá thuê không có nhân viên phục vụ. Một số khách sạn đề nghị hỗ trợ thêm nhân viên y tế để phục vụ người được cách ly.

Băn khoăn

Việc huy động cơ sở lưu trú phục vụ cách ly có trả phí cho người Việt Nam, người nước ngoài về từ vùng dịch là chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, danh sách các cơ sở lưu trú do Bộ VHTTDL công bố cho thấy không ít bất cập xung quanh vị trí khách sạn quá gần trung tâm, điều kiện phục vụ, thông tin chưa rõ ràng.

Theo danh sách Bộ VHTTDL công bố, Quảng Bình có hai cơ sở đăng ký dự phòng làm nơi cách ly ở vị trí không quá cận kề trung tâm, tuy thế ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, con số đăng ký lớn hơn và đang chờ tỉnh phê duyệt. Quảng Bình hiện có khoảng gần 500 khách quốc tế lưu trú, chủ yếu khách vào từ trước khi du lịch đóng cửa. Với lượng người lao động từ Lào, Thái Lan trở về, ông Hồ An Phong cho rằng họ khó có điều kiện chọn khách sạn làm nơi cách ly. Nhiều địa phương đang huy động các doanh trại quân đội, ký túc xá làm nơi cách ly tập trung, nên các cơ sở lưu trú chỉ được đưa vào diện dự phòng.

Được đưa vào danh sách nhưng chủ cơ sở lưu trú chưa nắm rõ là hiện tượng không hiếm. Liên hệ với anh Tuấn, đại diện chủ đầu tư của À la carte (Đà Nẵng) để hỏi thông tin đón khách cách ly, anh ngạc nhiên bởi chưa được Sở Du lịch Đà Nẵng thông báo cụ thể về việc đăng ký làm nơi cách ly. Được biết trước đó Sở mời đại diện các cơ sở lưu trú lên trao đổi về việc đăng ký, khó khăn và thuận lợi khi trở thành điểm cách ly, tuy nhiên chủ cơ sở này chưa nhận bất kỳ văn bản cụ thể nào về các điều kiện phục vụ trong trường hợp cách ly. Ông Tuấn trình bày, khó khăn lớn nhất của cơ sở này ở chỗ, muốn đón khách cách ly họ phải được sự đồng ý của chủ 202 căn hộ đang cho thuê lại để kinh doanh lưu trú.

Chấp nhận làm cơ sở lưu trú, các khách sạn này phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Khách sạn Thái Sơn Hạ Long là một trong số cơ sở lưu trú tại Quảng Ninh sớm đón khách cách ly ngay đợt dịch mới bùng phát, giảm giá phòng tới 50%. Bà Đặng Thị Hòa, Giám đốc khách sạn than thở, thời điểm khó khăn cơ sở lưu trú này chung tay đón khách cách ly, tuy nhiên tới thời điểm cho phép khách tự trả phí, tỉnh lại phân chia khách về cho cơ sở lưu trú với giá rẻ hơn.

Chủ cơ sở lưu trú giãi bày, vì đón khách cách ly mà khách sạn “mang tiếng”, nhiều đơn vị du lịch hủy tour, có những nhân viên phục vụ đảm bảo hết thời gian cách ly về nhà lại bị hàng xóm xa lánh. Toàn bộ chi phí lưu trú và ăn uống cho khách cách ly đều do khách sạn ứng ra mà chưa được thanh toán, nhưng chủ khách sạn nói luôn xác định tinh thần chung tay với tỉnh cho tới khi hết dịch.

Không nên chọn khách sạn trung tâm

Hà Nội có quyết định đưa khách sạn Hòa Bình làm điểm đón khách cách ly, tuy nhiên không ít ý kiến băn khoăn về vị trí trung tâm, đông đúc dân cư. PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nêu quan điểm, nên lựa chọn cơ sở lưu trú ở nơi thưa dân cư và đủ tiêu chuẩn cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong trường hợp khách sạn ở trung tâm làm nơi cách ly, cần có các biện pháp tăng cường phòng, chống cho người dân ở khu phố xung quanh. Liên quan tới việc bố trí nhân viên dọn phòng, ông đề xuất nên động viên người ở trong các phòng cách ly tự dọn phòng để hạn chế tiếp xúc. 

Ông Lê Xuân Vinh, chủ một chuỗi khách sạn ở khu phố cổ sớm đăng ký làm điểm cách ly nhưng chưa được chấp thuận. Khách sạn tại Hàng Trống hiện phải đóng cửa, ông Vinh rất mong muốn được đón khách cách ly, tuy nhiên ông tự nhận thấy các khách sạn ở khu vực phố cổ như vậy không có không gian thoáng khí, nằm san sát khu dân cư nên không đáp ứng điều kiện đón khách.

MỚI - NÓNG
Cà Mau có tân Chủ tịch UBND tỉnh
Cà Mau có tân Chủ tịch UBND tỉnh
TPO - Ngày 11/11, HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức kỳ họp thứ 16 (chuyên đề). HĐND tỉnh thống nhất bầu ông Phạm Thành Ngại - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Trực thăng tấn công Mi-24 của Nga bốc cháy dữ dội
Trực thăng tấn công Mi-24 của Nga bốc cháy dữ dội
TPO - Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) đưa tin, trong đêm ngày 9, rạng sáng 10/11, một chiếc trực thăng tấn công Mi-24 của quân đội Nga đã bốc cháy tại căn cứ không quân Klin sau cuộc tấn công của DIU. Theo báo cáo, chiếc trực thăng bị cháy thuộc biên chế của Phi đội trực thăng số 92 của Trung tâm ứng dụng chiến đấu và huấn luyện số 344. Hiện, giới chức Nga chưa bình luận về thông tin trên.