Trưa 9/8, một tài khoản facebook có tên Jose Calos Depre đăng một bức ảnh có nghệ sĩ Quang Tèo, nghệ sĩ Hán Văn Tình cùng dòng chữ: “Người đàn ông rất giàu có trong chiếc áo xanh kia đã buôn lậu ngà voi từ châu Phi sang châu Á trong cả một thập kỷ qua... Người đeo kính còn lại không có gì quan trọng”.
Dòng trạng thái được viết ở London, Anh và được nhiều người quan tâm.
Theo thông tin giới thiệu trên trang cá nhân, Jose Calos Depre là Giám đốc tổ chức cứu hộ động vật tại Ấn Độ đồng thời cũng là Giám đốc điều hành tổ chức cứu hộ động vật tại Nam Phi. Trên trang cá nhân, người này thường xuyên chia sẻ thông tin về động vật hoang dã và vấn đề bảo vệ động vật hoang dã.
Nghệ sĩ hài Quang Tèo
Phóng viên liên lạc với nghệ sĩ hài Quang Tèo vào đầu giờ chiều 9/8, khoảng 3 tiếng sau khi thông tin trên được đăng tải trên mạng xã hội. Anh cho biết: “Tôi chưa rõ thế nào, nhưng đó là thông tin vớ vẩn, bịa đặt. Tôi là người nông dân điển hình của đồng bằng Bắc Bộ, chỉ biết chăn vịt, còn chưa nhìn thấy ngà voi bao giờ chứ nói gì đến buôn ngà voi".
Nam nghệ sĩ nhận định người viết thông tin này muốn lợi dụng tên tuổi của anh để câu like. "Tôi là ai bạn bè nghệ sĩ đều biết, làm gì có tiền của gì mà bảo buôn ngà voi” - anh cười.
Trước câu hỏi của phỏng viên “Nếu thông tin không đúng, anh nhờ cơ quan chức năng vào cuộc như thế nào?", Quang Tèo trả lời: “Vì chưa biết rõ nên tôi cũng chưa biết hướng giải quyết hay nhờ cơ quan chức năng vào cuộc ra sao, cái này phải để người thông thạo mách hướng giải quyết”.
Quang Tèo chia sẻ về gia cảnh:
"Tôi sinh ra ở làng cốm Vòng, Dịch Vọng, Từ Liêm - ngày xưa là ngoại thành nên vẫn quê. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, hồi bé tôi cũng chăn trâu cắt cỏ. Quần tôi thường mặc lên sân khấu chính là quần của bố mặc ngày xưa khi ông đi làm đồng. Bố tôi đã mất - tôi coi đó là gia tài ông để lại. Khi diễn, tôi luôn có cảm giác bố đang phù hộ cho mình để khắc họa hình ảnh người nông dân đẹp hơn, thật hơn.
Tôi tự hào rằng, tôi là diễn viên duy nhất trong tổng cộng gần 100 người của Nhà hát kịch nói Quân đội sống được với nghề, không phải làm nghề tay trái. Một gia đình có hai vợ chồng cùng đi làm thì đỡ vất vả. Còn gia đình tôi, vợ sinh đôi hai đứa vào năm 2003 nên phải nghỉ ở nhà trông con. Tôi vẫn đùa với các con: bố chính là con trâu đi cày. Người ta ví von: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” còn nhà tôi “Một con ngựa đau, cả tàu không có cỏ”.
May cho tôi, vợ rất hiền lành, chu đáo, ở nhà lo lắng công việc gia đình để chồng yên tâm làm nghề".