Quảng Ngãi đề xuất chính quyền một cấp tại huyện đảo Lý Sơn

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm việc với tỉnh Quảng Ngãi
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm việc với tỉnh Quảng Ngãi
TPO - Về phương án xây dựng chính quyền một cấp tại huyện đảo Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất chính quyền cấp huyện tại huyện đảo Lý Sơn không có cấp xã, thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải thể 3 đơn vị hành chính cấp xã

Bộ Nội vụ vừa tổ chức thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2019 - 2021 và xây dựng chính quyền một cấp huyện đảo Lý Sơn.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, qua rà soát, có 4 ĐVHC cấp huyện và 10 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, bắt buộc phải sáp nhập. Quảng Ngãi đề xuất nhập nguyên trạng ĐVHC huyện Tây Trà với huyện Trà Bồng để thành lập ĐVHC mới với tên gọi mới sau sắp xếp là huyện Trà Bồng.

Về phương án sắp xếp cấp xã, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất, đối với huyện Bình Sơn, nhập nguyên trạng xã Bình Thới với thị trấn Châu Ổ, tên gọi mới sau sắp xếp là Thị trấn Châu Ổ; nhập nguyên trạng xã Bình Phú với xã Bình Tân, lấy tên mới là xã Bình Tân Phú; nhập nguyên trạng xã Bình Thanh Đông với xã Bình Thanh Tây, tên gọi mới sau sắp xếp là xã Bình Thanh.

Đối với huyện Tây Trà, nhập nguyên trạng xã Trà Quân với xã Trà Khê, lấy tên mới sau sắp xếp là xã Sơn Trà; nhập nguyên trạng xã Trà Nham với nguyên trạng xã Trà Lãnh, tên mới sau sắp xếp là xã Hương Trà; nhập nguyên trạng xã Trà Trung với nguyên trạng xã Trà Thọ, tên mới sau sắp xếp là xã Trà Tây… Đối với huyện Ba Tơ, giải thể ĐVHC xã Ba Chùa, chia tách xã Ba Chùa để sáp nhập vào thị trấn Ba Tơ và xã Ba Dinh.

Về phương án xây dựng chính quyền một cấp tại huyện đảo Lý Sơn: UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất chính quyền cấp huyện tại huyện đảo Lý Sơn không có cấp xã, thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải thể 3 ĐVHC cấp xã (xã an Bình, xã An Hải, xã An Vĩnh) trên địa bàn huyện; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện đúng quy định. Thủ tục hành chính cấp xã (sau khi giải thể cấp xã) sẽ được thực hiện qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng huyện Lý Sơn.

Theo Sở Nội vụ, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Quảng Ngãi sẽ giảm 1 ĐVHC cấp huyện, và 11 cấp xã.

Trình hai phương án

Cho ý kiến về đề án, Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập trước năm 2021, không nên để kéo dài và cần quy định rõ lộ trình thực hiện. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi cần có phương án cụ thể hơn để sử dụng tài sản công sau sắp xếp, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh lãng phí.

Riêng đối với giải thể 3 ĐVHC cấp xã tại huyện đảo Lý Sơn, thành viên Hội đồng thẩm định đều cho rằng, UBND tỉnh Quảng Ngãi cần căn cứ vào cơ sở pháp lý để tiến hành triển khai. Nếu thấy khó khăn, có thể tách Đề án của huyện đảo Lý Sơn thành một Đề án độc lập sau đó mới hoàn thiện để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính khẳng định, sẽ tiến hành thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã ngay sau khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có hiệu lực.

Đối với trường hợp giải thể 3 ĐVHC cấp xã và tổ chức lại huyện đảo Lý Sơn, hiện còn hai luồng ý kiến khác nhau, nên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu, xây dựng hai phương án để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Cụ thể, phương án 1 sẽ dựa trên những cơ sở lập luận, cơ sở thực tiễn và căn cứ vào quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan xây dựng phương án giải thể ĐVHC cấp xã và tổ chức lại ĐVHC cấp huyện thuộc huyện đảo Lý Sơn trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Còn phương án 2, sẽ giải thể ĐVHC cấp xã và tổ chức lại ĐVHC cấp huyện thuộc huyện đảo Lý Sơn trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.