Chiều 25/11, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận.
Thời gian vừa qua, tình trạng ngập lụt xuất hiện tại TP Tam Kỳ và các vùng lân cận, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Hội thảo đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP Tam Kỳ và vùng phụ cận. |
Tại TP Tam Kỳ, ngập lụt xuất hiện tại các tuyến đường lớn như Tôn Đức Thắng, Lý Thường Kiệt, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân… Nhiều điểm dân cư ngập cả mét, tuy nhiên nước rút rất chậm khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Mỗi khi mưa lớn, nhiều khu dân cư Tam Kỳ lại ngập sâu. |
Ngoài ra, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Bình An (huyện Thăng Bình) đến bến xe Tam Kỳ bị nước lũ uy hiếp mạnh. Hầu hết các tuyến đường dẫn đầu các cầu bắc qua sông Bàn Thạch đều bị ngập. Khu vực thành phố ven sông Bàn Thạch, sông Đầm và hồ sông Đầm bị ngập rất nặng. Khu vực vùng trũng từ Tam Tiến ra đến hướng Cửa Lở hoàn toàn bị ngập, đoạn tuyến 129 cắt ngang sông Tam Kỳ - Bàn Thạch bị ngập sâu.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng đô thị Tam Kỳ. Cụ thể, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa lớn bất thường xảy ra thường xuyên và chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang. Khi mực nước sông Bàn Thạch dâng khoảng 2,5 mét thì hệ thống thoát nước thành phố không thoát được ra sông Bàn Thạch tại các cửa thoát trên tuyến đê Bàn Thạch. Vì vậy gây ngập úng tại các vị trí trũng thấp toàn đô thị.
Các dự án được đầu tư xây dựng trong vài năm gần đây như đường trục chính từ KCN Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai; đường Điện Biên Phủ; Khu phố chợ Chiên Đàn…đã ảnh hưởng đến tình hình ngập lụt tại TP Tam Kỳ.
Ngoài ra, lượng nước ngoại lai từ các huyện Thăng Bình, Phú Ninh chảy về các sông quá lớn.
Khu dân cư và các tuyến đường có cao trình nhỏ hơn 3 mét thường xuyên ngập khi có triều cường và mưa lớn do mực nước sông cao nên khả năng thoát của các cống đầu nối với các sông Bàn Thạch giảm.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng công trình cao dẫn đến giảm mạnh khả năng thấm tự nhiên và chiếm diện tích chứa nước.
Dọc theo hướng thoát nước từ khu vực trung tâm thành phố và dọc hành lang các sông bị lấn chiếm, san lấp trái phép; tình trạng xả rác ra mương hồ, cửa xả làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước; xây dựng hồ nuôi tôm, bè nuôi cá của người dân làm thu hẹp dòng chảy.
Thiếu sự đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ, đặc biệt là các khu vực đô thị hiện hữu so với các tuyến đường mới được nâng cấp, hay các đô thị mới hình thành.
Ngoài ra, tiến độ triển khai quy hoạch và các dự án thoát nước, chống ngập lụt còn rất chậm chưa đáp ứng được vấn đề thoát nước và chống ngập đô thị.
Ông Ảnh kiến nghị, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cần đánh giá tác động môi trường của các dự án đã được đầu tư xây dựng ảnh hưởng đến thoát nước Tam Kỳ. Ngoài ra, đầu tư Dự án nâng cao năng lực thoát nước cho thành phố trong đó gồm các danh mục nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nội thị; Hồ điều tiết và kênh chỉnh dòng thoát nước phía tây nội thị; Hồ thoát lũ sông Đầm ra sông Trường Giang; Kè và đường ven sông Tam Kỳ với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.851 tỷ đồng.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, thành phố phải xác định hành lang thoát lũ cho sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, sông Đầm và Trường Giang, để đảm bảo thoát được lưu lượng lũ thiết kế ứng với một tần suất lũ nhất định.
Việc xác định hành lang thoát lũ cho lưu vực sông vùng nghiên cứu là tính toán bề rộng mặt cắt ngang đoạn sông để đảm bảo thoát được lưu lượng lũ thiết kế. Ngoài ra, cũng cần xác định mực nước gia tăng tại mặt cắt tính toán khi có các công trình, khu dân cư để làm cơ sở xác định cao trình quy hoạch chống lũ và quy hoạch khu dân cư đồng thời thực hiện phân lũ và kiểm soát lũ trên sông Bàn Thạch và vũng trũng phía tây Tam Kỳ.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, ngập lụt Tam Kỳ phải đánh giá trên phạm vi rộng, dựa trên hệ số tần suất mưa trong thời gian gần đây, nhất là chuỗi số liệu về lượng mưa cụ thể trong từng thời điểm trong 3 năm gần đây. Chống ngập cho TP Tam Kỳ phải dựa trên dữ liệu lượng mưa lớn, diện rộng, cùng lúc với triều cường và khả năng hồ Phú Ninh xả lũ.
Quan trọng nhất là việc tìm được giải pháp khoa học, có tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn trong việc can thiệp chống ngập cho TP Tam Kỳ. Trong quá trình chống ngập, TP Tam Kỳ phải xác định rõ phải sống chung thích ứng với lũ hay chống ngập triệt để bằng giải pháp công trình.
“Cần tổng rà soát lại quy hoạch xây dựng thành phố Tam Kỳ, đánh giá toàn diện tác động của những công trình hạ tầng đến quá trình ngập và thoát lũ. Làm sao để thành phố Tam Kỳ hoàn toàn thích ứng thiên tai, biến đổi khí hậu và xây dựng được bộ công cụ kiểm soát lũ cho TP. Tam Kỳ và các vùng phụ cận”, ông Thanh nhấn mạnh.