Con đường chính dọc thôn Đông Tuần đến thôn Bình Trung cảnh tượng dễ thấy là hàng loạt ngôi mộ liên tiếp xen kẽ, nằm sát kế bên vách nhà dân. Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (43 tuổi, thôn Đông Tuần) có đến 4 ngôi mộ được chôn cất ngay sát hông tường nhà. Bà Xuân cho biết, bà về làm dâu ở đây gần 20 năm. Khi về đây, bà đã thấy các ngôi mộ được chôn cất ngay cạnh nhà. “Lúc đầu cũng sợ khi sống bên cạnh mồ mả như vậy, nhưng lâu ngày thì cũng quen giờ chỉ sợ có ô nhiễm nguồn nước uống hằng ngày mà thôi” – bà Xuân chia sẻ.
Bà Trần Thị Nhiễu (77 tuổi, thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho biết, trước đây nhiều điểm ở xã Tam Hải là khu nghĩa địa để an táng những người đã khuất. Người dân không chôn cất theo một khu vực mà cứ chọn mô đất nào thuận tiện thì làm nơi yên nghỉ cho người thân. Đa phần vì chôn vội, vì chạy tránh mưa bom, bão đạn trong thời chiến mà chỉ kịp đắp một núma đất nhỏ. Hòa bình lập lại, người dân quay về nơi đây sinh sống, an cư, lập nghiệp nên đã chấp nhận với cảnh sống chung với mồ mả.
Hầu hết tại 7/7 thôn của xã đảo Tam Hải người dân chấp nhận sống xen kẽ với mồ mả. Dân số ngày càng tăng lên, diện tích ađất ở và đất xây mồ mả lại ngày càng hạn hẹp, tình trạng quá tải mồ mả là điều không thể tránh khỏi. Theo tập quán lâu đời, ít có ai chấp nhận đưa người thân đã mất qua sông đi nơi khác chôn cất.
Chủ tịch UBND xã Tam Hải, ông Trần Ngọc Hữu, cho hay, toàn xã đảo Tam Hải hơn 8.500 nhân khẩu trong khi diện tích đất chỉ có 750ha nên việc chôn cất của người dân gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, do đặc trưng địa hình xã đảo bốn bề sông nước, người dân không đưa người thân qua phà để sang địa phương khác chôn cất nên có một số hộ gia đình đã mua đất để thành lập khu nghĩa trang gia đình. Hiện tại cứ mỗi nghĩa trang của dòng tộc nhỏ cũng đã có đến mấy chục ngôi mộ, chưa kể là nghĩa địa thôn.
Việc sống chung với mồ mả gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, đến sự phát triển kinh tế địa phương và kinh tế hộ gia đình, ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Địa phương đã vận động người dân không chôn mồ mả người chết sát nhà, khu dân cư sinh sống mà chọn những nơi xa khu dân cư để chôn cất. Trong quá trình đưa tang, người dân không được rải vàng mã dọc đường mà chỉ đốt trong khu vực nghĩa địa.
“Địa phương đã đề xuất quy hoạch khu nghĩa địa nhân dân tại thôn Thuận An nhưng phần vì chưa có vốn, phần vì lấn cấn với việc phát triển du lịch tại địa phương. Hiện tại người dân vẫn phải chôn cất người chết trên nền đất của gia đình” – ông Hữu phân trần.