Quang Dũng, từ Tây Tiến đến Tây Nguyên

Quang Dũng chụp ảnh tại ngôi trường mà con gái (bìa phải) công tác ở huyện Lâm Hà.
Quang Dũng chụp ảnh tại ngôi trường mà con gái (bìa phải) công tác ở huyện Lâm Hà.
TP - 32 năm trước, bài thơ “Tây Tiến” còn bị cho là “có vấn đề”, nói gì đến chuyện đưa vào sách giáo khoa như những thập niên gần đây. Vậy mà sinh viên văn khoa chúng tôi ai nấy đều thuộc lòng bài thơ này và nhiều bài khác của Quang Dũng.

Trung tuần tháng 10 này, tôi có dịp gặp hai người con của nhà thơ Quang Dũng là Bùi Văn Phượng và Bùi Phương Thảo khi anh chị đến Đà Lạt giới thiệu cuốn sách mới xuất bản: “Nhà thơ Quang Dũng từ Tây Tiến đến Tây Nguyên”. Sách do chị Thảo và anh Trần Ngọc Trác (nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng) sưu tầm và biên soạn.

Kể chuyện “Tây Tiến”

Thảo lần giở cuốn sách vừa xuất bản, chỉ cho chúng tôi xem bài “Kể chuyện Tây Tiến” do chính bố chị viết, trong đó có đoạn: “Từ khi hành quân bằng đôi chân, chúng tôi thật sự nếm mùi Tây Tiến. Mở rừng, ăn rừng, ngủ rừng. Những cái dốc thăm thẳm “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những chiều “Oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu người”, rồi rải rác dọc biên cương những “nấm mồ viễn xứ” là rất thực, có pha chút âm hưởng nhớ rừng của Thế Lữ mà sau này vô tình tôi nhận ra”.

Quang Dũng, từ Tây Tiến đến Tây Nguyên ảnh 1 Nhà thơ Quang Dũng năm 1973.

Tứ thơ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm” bật ra từ ngữ cảnh hồi ấy trong đoàn chúng tôi có rất nhiều người sốt rét trọc cả đầu, da xanh rớt. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn lại không giữ vệ sinh, vả lại có giữ cũng chẳng được nên bộ đội không những bị ốm mà còn chết vì sốt rét cũng nhiều.

“Tôi muốn gợi thêm một ý thơ của bài thơ Tây Tiến để nói lên cái gian khổ, thiếu thốn ở miền Tây. Ngay cả khi nằm xuống, nhiều tử sĩ cũng không đủ manh chiếu liệm. Nói “áo bào thay chiếu” là cách nói của người lính chúng tôi, cách ước lệ của thơ trước đây để an ủi những đồng chí của mình đã ngã xuống giữa đường”, Quang Dũng viết.

Còn  theo nhạc sĩ Quang Vĩnh (con trai cả của Quang Dũng), Mường Hịch là một địa danh gắn liền với kỷ niệm bất ngờ của bố. Trong một lần hành quân, đoàn quân Tây Tiến dừng chân ở Mường Hịch. Người dân nơi đây kể về con cọp chuyên bắt người ăn thịt rồi ngỏ lời nhờ bộ đội Tây Tiến diệt trừ. Vốn là người gan dạ, khỏe mạnh, mới nghe thế máu mã thượng trong người bố đã bốc lên. Ông gọi một số anh em trong đơn vị lại rồi lấy một con lợn trói tại gốc cây làm mồi bẫy, còn bản thân cùng anh em chia nhau nấp đợi hổ về. Nửa đêm, dân làng nghe tiếng súng vọng lại từ rừng già, rồi sau đó là tiếng hổ gầm điên loạn, gần sáng thì thấy Quang Dũng dẫn đầu một tốp bộ đội hớn hở tìm về, người ướt đẫm sương. Lúc bị thương con hổ đã điên cuồng chống trả, bố phải nổ mấy phát súng mới kết liễu được nó.

Chị Thảo tâm sự sau khi viết xong, bố hay tặng thơ cho những người bạn mà ông quý mến (chứ ít khi lưu lại) và rồi quên luôn là đã có những bài thơ như thế. Sau khi bố mất, chị đã lặn lội đi tìm di cảo của ông. Có lần mình được xem bức ảnh bà Giáng Kiều, người tình trong mộng của một người bạn thân của bố. Tên thật của bà là Kiều Dinh. Bà là nghệ sỹ trong đoàn kịch Thế Lữ và là một trong bốn chị em gái rất đẹp ở phố Hàng Bông thập niên 40 của thế kỷ trước. Chữ “kiều” trong tên bà Kiều Dinh ngày ấy được cho là bố mình “mượn” để làm danh từ chung trong câu “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Vì câu thơ này, bố bị chỉ trích nặng nề, rằng đi chiến đấu gian khổ mà lại mơ tưởng xa hoa, lãng mạn...

“Thế nhưng, làm sao khác được khi đa số chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến là trí thức, học sinh, sinh viên Hà Nội, những chàng trai được cho là giai cấp tiểu tư sản đã bỏ lại tất cả để đi theo kháng chiến, có xá chi đâu? Còn cái lãng mạn đó là bản chất, tích tụ trong con người. Chính sự lãng mạn đó đã khiến người lính quên đi mọi khó khăn gian khổ và vượt lên phía trước”, chị nói như phân trần.

Ra đời năm 1948, bài thơ Tây Tiến có số phận khá truân chuyên, như nhà văn quân đội Nguyễn Thị Như Trang đã viết: Mặc dù cả bài thơ là một áng văn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi những người con ưu tú của đoàn quân Tây Tiến vì nghĩa lớn của dân tộc đã “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” nhưng Tây Tiến vẫn bị coi là bi lụy, để cho những ý nghĩ yếu đuối làm suy giảm sức chiến đấu. Cũng tức là lập trường tư tưởng của tác giả không kiên định, “có vấn đề”…

Sau đổi mới năm 1986, Tây Tiến mới được nhìn nhận, đánh giá lại và đến năm 1990 đưa vào giảng dạy trong nhà trường rồi được khắc vào bia đá, bia tưởng niệm các liệt sỹ và ghi chiến tích Trung đoàn 52 Tây Tiến dựng ở Mai Châu (Hòa Bình). Nhà thơ Vân Long xúc động: “Tây Tiến” không chỉ là bài thơ tiêu biểu cho sự nghiệp thơ Quang Dũng mà còn là niềm vinh dự, “phiên hiệu” nổi tiếng của một trung đoàn bộ đội.  

“Có những ngày tháng không thể quên, cái gian khổ ác liệt không thể quên, cả cái hào hùng, lãng mạn cũng không thể quên. May mắn thay, giữa những ngày tháng không thể quên ấy, lại có những bài thơ không thể quên như Tây Tiến của Quang Dũng. Đã có lúc Tây Tiến được trích dẫn như một dẫn chứng để phê phán cái xu hướng gọi là tiểu tư sản trong thơ kháng chiến, một đối chứng để khẳng định những gì nên có trong thơ mới. Nhưng rồi Tây Tiến cuối cùng cũng được nhớ lại như một kỷ niệm đẹp của kháng chiến, một tiếng thơ bi tráng của một nền thơ”, lời của thầy giáo dạy văn nổi tiếng Lương Duy Cán ở Quảng Bình.

Quang Dũng, từ Tây Tiến đến Tây Nguyên ảnh 2 Hai người con của nhà thơ Quang Dũng trong ngày ra mắt sách mới về bố.

Tây Nguyên vời vợi núi trùng mây

Hỏi nhà thơ Quang Dũng đến huyện Lâm Hà (vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng) năm nào, anh Trần Ngọc Trác trả lời ngay là vào những năm 1982-1984. Anh bảo mình nhớ rất rõ bởi thời gian đó con trai anh đang học với cô giáo Bùi Phương Hạ, con gái Quang Dũng. Từ chỗ là phụ huynh, anh với Hạ dần thân thiết như anh em bởi anh yêu thơ của bố Hạ, còn Hạ tìm được người đồng cảm với hoàn cảnh éo le của gia đình. Hạ kể vì bài thơ Tây Tiến bị cho là có vấn đề mà bố và cả gia đình phải chịu đựng biết bao dằn vặt, thiệt thòi. Hạ công tác ở NXB Văn học nhưng mãi không được vào biên chế. Mặc dù bị bệnh tim từ năm 11 tuổi nhưng em vẫn xung phong làm giáo viên tăng cường ở Lâm Hà, vùng đất mới xa xôi, heo hút, vô cùng khó khăn, thiếu thốn trong vài năm để mong được xem xét lại. Anh Trác từng làm thơ tặng Hạ: Mười năm ra trường không biên chế/Vì em con Quang Dũng nhà thơ/Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Câu thơ xưa gian khó đến bây giờ.

“Bố cũng bị bệnh tim, sức khỏe ngày càng sa sút. Gia đình và bạn bè ngăn cản dữ lắm nhưng bố cứ vào Tây Nguyên, có lẽ vì thương và muốn chia sẻ khó khăn với chị Hạ và cũng vì để thỏa ước nguyện cuối đời là viết về bà con thủ đô đi kinh tế mới”, chị Thảo góp lời.

Anh Trác kể tiếp: Đúng là bác ấy thích đi đây đi đó lắm, hăm hở, mải miết như có một ma lực gì lôi kéo. Mấy anh em nhà văn, nhà báo rồi cả những người dân mến mộ thơ bác thay phiên nhau đưa bác rong ruổi khắp đồi nương, lội suối băng đèo trên những con đường gồ ghề đất đỏ bazan. Là người nổi tiếng nhưng bác rất giản dị, chân thành; sống kham khổ nhưng rất tự trọng. Bác đã đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ như một triết lý: Dặn vợ có cà đừng gắp mắm/Bảo con bớt gạo thổi thêm khoai/Nếu ai có bảo rằng hà tiện/Ta chẳng phiền ai, chẳng lụy ai.

Lần khác, hai bác cháu lội bộ giữa trưa, nóng không chịu nổi nên ghé vào ngôi nhà bên đường để trốn nắng. Nào ngờ bác chủ nhà Phan Văn Cưu là thương binh, cũng từng là lính Sư đoàn 308 Quân Tiên phong như Quang Dũng. Hai người mừng rỡ ôm chầm lấy nhau. Chủ nhà nài nỉ chúng tôi ở lại ăn cơm trưa, chủ yếu là rau mắm nhưng nhà thơ ăn rất ngon miệng. Sau đó nhà thơ làm bài thơ “Bạn cũ sư đoàn” tặng bác Cưu.

“Bài thơ rất lạ, vẫn mang âm hưởng Tây Tiến nhưng gần với thời sự lúc bấy giờ hơn. Bác Quang Dũng đưa vào thơ cả ngô vàng Tây Nguyên, sắn khoai và cả gạo Sình chỉ có ở vùng kinh tế mới nhưng đọc vẫn thấy hay”, lời của nhà thơ Nguyễn Gia Tình.

Đến năm 1984, bệnh nặng thêm, bước đi chệnh choạng, tay phải bị liệt đến nỗi cây bút, đôi đũa cũng rời khỏi tay nhưng nhà thơ quyết vật lộn với bệnh tật để sống, để làm việc. “Ở đây không những bố cháu tập đi mà còn tập ngã. Vì hay vấp ngã nên phải tập để ngã sao cho đỡ đau”, Phương Hạ đã kể với bạn chí cốt của bố (nhà thơ Trần Lê Văn) như thế.

Nhà thơ Quang Dũng viết:  “Tôi đã kiên trì tập mãi cái tay phải cho đến hôm nay, tôi vui sướng viết được lá thư này và điều khiển những ngón tay cầm đũa cũng được rồi. Chắc anh Văn sẽ cười và nói: thôi chết rồi! Lão ta lại vẫn gắp được và kỳ lạ hơn là vẫn… và vào miệng mình chứ không vào miệng người khác”. Những ai từng biết Quang Dũng đều ấn tượng về sự hài hước và khát vọng sống mãnh liệt của ông. “Vui vẻ vượt qua khó khăn, chấp nhận gian khổ ở cả mặt trận và hậu phương. Quang Dũng sống thơ còn hơn cả làm thơ”, lời của Đại tá Nguyễn Xuân Sâm. 

Sau khi Quang Dũng mất, nhà thơ Trần Lê Văn đã dày công tìm kiếm, tập hợp các sáng tác của ông vào cuốn sách lấy tên Mây đầu ô. Sách này được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2001.

MỚI - NÓNG