Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Có chế tài để tự gột rửa
Ngày 18/10, Học viện Chính trị Quốc gia chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947 - 10/2017) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ngoài đề cập những vấn đề cơ bản, còn có ý nghĩa quan trọng về xây dựng Đảng, củng cố chính quyền nhân dân, phê phán những sai lầm, thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.
Còn theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm và đề ra những nội dung căn bản, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. “Chỉnh đốn Đảng nhằm phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời quần chúng. Người cũng đã thẳng thắn cho rằng, trong Đảng đã xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, chủ nghĩa cá nhân.
Những tật bệnh đó khiến Đảng xệch xoạc, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không được thi hành triệt để, Đảng xa rời dân chúng. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, ông Phúc dẫn nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Phúc cũng đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao đề xuất này. Ông Thắng cho biết, một số cán bộ đảng viên chưa bỏ thói hư tư lợi, kiêu ngạo, xa hoa, bè phái, có nguy cơ lây lan. Việc quan trọng là phải nhận ra, có cơ chế, chế tài để tự gột rửa, như Tổng Bí thư nói nếu ai đã nhúng chàm phải tự gột rửa.
“Ủ bệnh” từ trước
Thiếu tướng, PGS Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng khẳng định, 70 năm trôi qua nhưng những nội dung căn bản về “vấn đề cán bộ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, luận giải trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi và là vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Đã qua nhiều kỳ Đại hội Đảng nhưng vấn đề cán bộ, công tác cán bộ của Đảng vẫn đang là một trong những vấn đề tồn tại nhiều bất cập.
Trong nhiều nguyên nhân, theo ông Thế, chắc chắn trong đó vấn đề quan trọng bậc nhất là công tác cán bộ của Đảng thực sự đang tồn tại nhiều lỗ hổng nghiêm trọng, nhiều căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong “Sửa đổi lối làm việc” đã tái hiện, lây lan đã trở thành dịch bệnh hầu như ai cũng biết mà chưa ngăn chặn được.
Ông nhìn nhận, những hiện tượng nghiêm trọng vừa phát hiện trong những năm gần đây về sự tha hóa, biến chất của không ít cán bộ cấp cao, về bổ nhiệm, cất nhắc tràn lan các chức danh cán bộ một cách vô lối ở các địa phương, ngành, thực chất đã có quá trình ủ bệnh, tích tụ từ nhiều nhiệm kỳ trước.
Thiếu tướng, PGS Nguyễn Văn Thế cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là nói phải đi đôi với làm, vì sự định vị của Đảng đã đầy đủ và sâu sắc nên cần phải có quyết tâm chính trị cao hơn nữa trong triển khai các nghị quyết, đưa nội dung nghị quyết vào cuộc sống để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra về cán bộ, công tác cán bộ.
70 năm trôi qua nhưng những nội dung căn bản về “vấn đề cán bộ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, luận giải trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi và là vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp.
PGS Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị