Quản trốn thuế thời 4.0

Quản trốn thuế thời 4.0
TP - Trước xu thế phát triển thương mại điện tử ngày một nở rộ, đi kèm các hình thức trốn thuế tinh vi hơn, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự luật quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung) với mong muốn sẽ có bộ công cụ nhằm kiểm soát các giao dịch và thu nhập “khủng”.

Tâm điểm được ngành thuế “ngắm” là các cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu qua các loại hình kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là những người được các ông lớn công nghệ như Facebook, Google chi trả “hậu hĩnh”. Còn công cụ, đó là sửa đổi luật quản lý cho tương thích đi kèm việc đầu tư về hệ thống quản lý bằng phần mềm.

Theo dự thảo, do đặc thù giao dịch này chủ yếu qua tài khoản nên đề xuất của Tổng cục thuế, muốn ngân hàng tham gia vào khâu giúp ‘truy” thu nhập và thậm chí khấu trừ ngay khi có giao dịch tiền về tài khoản. Dẫu vậy, đề xuất trên đã bị Ngân hàng Nhà nước “bác” bởi lý do, nếu tự ý trừ tiền hay “động” vào tài khoản cá nhân tức là các ngân hàng thương mại sẽ vi phạm luật các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định: việc cung cấp thông tin tài khoản cá nhân và sao kê, chỉ có khi ngành thuế chỉ ra cá nhân đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hay dấu hiệu chây ỳ, trốn thuế và phải có giấy đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn ngân hàng, chỉ là phương tiện thanh toán trung gian, không thể làm thay ngành thuế.

Cũng tương tự, phân tích về công cụ kiểm soát thu nhập, ý một chuyên gia đã chỉ ra: quan trọng, ngành thuế phải cần có giải pháp tổng thể và chế tài xử phạt tội trốn thuế đủ mạnh để những cá nhân có ý định trốn thuế, chây ỳ thuế, sợ mà không dám. Tổng cục thuế cần “túm ông có tóc”, đó là nơi chi trả thu nhập và nơi (người) có nguồn thu nhập cao đó.

Nhưng nói thế, không phải là không có cách nào để quản. Xét đến cùng, việc tìm ra thu nhập, khấu trừ thu nhập, ngăn chặn việc các cá nhân có nguồn thu lớn qua kinh doanh thương mại điện tử muốn trốn thuế  là nhiệm vụ phải làm đến cùng. Bởi không chỉ tăng cho ngân sách một khoản thu lớn, mà quan trọng: tạo sự công bằng, với tất cả công dân với nghĩa vụ nộp thuế; cũng từ đó tránh cho ngành thuế, Bộ Tài chính phải “tận thu” những món theo kiểu “ dễ làm, khó bỏ”!

Nên chăng “ngành thuế cần có văn bản đến những nơi chi trả thu nhập kể cả những đơn vị không nằm trên lãnh thổ đề nghị họ chấp hành nghiêm chỉnh việc trao đổi thông tin danh tính cá nhân họ đã chi trả- nếu thu nhập đó chưa bị trừ thuế. Sau đó nếu so sánh trên thực tế các cá nhân này chưa thực hiện kê khai thuế, khi đó nhận thấy có dấu hiệu trốn thuế, mới yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin thu nhập qua chuyển khoản” .

Đặc biệt hơn, theo vị này “nhà thuế” phải chấm dứt thời quản lý thủ công chỉ trên sổ sách hay trông chờ cá nhân tự giác đến kê khai thu nhập mà phải có bộ công cụ đủ mạnh để “truy “  và thu bằng được nguồn thu nhập này.

Thời công nghệ 4.0 ngành thuế phải  thay đổi theo xu hướng hiện đại hơn là tất yếu. Còn sửa luật để “chặn” những kẽ hở trốn thuế qua công nghệ thiết nghĩ dứt khoát phải làm càng nhanh càng tốt.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.