Quản lý trường nghề: Hai bộ nên 'ngồi lại với nhau'

0:00 / 0:00
0:00
Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp (Vĩnh Phúc) Ảnh: Phạm Thanh
Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp (Vĩnh Phúc) Ảnh: Phạm Thanh
TP - Mới đây, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi kiến nghị tới nhiều cơ quan nhà nước và Chính phủ đề xuất chuyển quản lý các trường cao đẳng (CĐ) nghề từ Bộ LĐ-TB&XH về lại Bộ GD&ĐT. Đề xuất này sẽ đưa quản lý nhà nước đối với trường CĐ nghề trở lại giống như trước năm 2017 (thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT). Trong khi đó, lãnh đạo một số trường CĐ cho rằng, đề xuất này chưa hẳn vì người học.

Trao đổi với PVTiền Phong về đề xuất trên, ông Vũ Quang Khuê, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh cho rằng, đề xuất thay đổi cơ quan quản lý nhà nước với trường nghề, nếu được thông qua, sẽ tiếp tục gây xáo trộn lớn. Theo ông Khuê, nếu kém hiệu quả, phải thay đổi, nhưng đề xuất chuyển quản lý trường CĐ giáo dục nghề nghiệp về lại Bộ GD&ĐT chưa có minh chứng, lập luận thuyết phục, chưa có cơ sở đánh giá (về lại sẽ tốt hơn hiện nay).

“Trước năm 2017, đa số trường CĐ đều khó tuyển sinh, do mô hình đào tạo nặng về lý thuyết, có bằng cấp nhưng thiếu kỹ năng nên sinh viên ra trường đi làm, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Sau khi chuyển về Bộ LĐ-TB&XH quản lý, cũng có vướng mắc, lúng túng, nhưng tới nay đã cơ bản đi vào quy củ. Các trường đã được tự chủ nhiều hơn, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp được khuyến khích nên dễ dàng hơn. Thậm chí doanh nghiệp được tham gia cùng trường soạn chương trình đào tạo, nhân sự của doanh nghiệp trực tiếp tham gia dạy, sinh viên ra trường có tay nghề, được doanh nghiệp nhận vào làm ngay”, ông Khuê nói.

Về vướng mắc hiện tại, trong công tác quản lý nhà nước với trường nghề, theo ông Khuê, chủ yếu liên quan tới dạy văn hóa trong trường nghề, liên thông lên cao đẳng lên đại học, như việc xảy ra ở Học viện Múa Việt Nam vừa qua (các em học múa từ nhỏ, nhưng học xong không được cấp bằng văn hóa lẫn bằng nghề). Ông Khuê đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT nên ngồi lại với nhau trên tinh thần vì người học, vì nguồn nhân lực có tay nghề thì sẽ giải quyết được vấn đề. Bên cạnh đó, dù sinh viên học nghề, vẫn cần dạy họ một số môn đại cương như toán, hình học, vật lý... để vận dụng khi làm việc, đảm bảo thích nghi với công nghệ thay đổi.

“Chỉ với một bộ điều hành chúng ta mới có hệ thống đào tạo nhân lực phát triển bền vững”, ông Vinh nói và nêu thực tế, vừa qua cả hai bộ đều cử đại diện đi đàm phán quốc tế về một vấn đề, khiến quá trình làm việc mất thời gian, nhưng chưa chắc hiệu quả. Vì vậy, thống nhất đầu mối quản lý giáo dục đào tạo sẽ giúp hội nhập tốt hơn với khu vực và thế giới.

Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nhìn nhận, từ khi được chuyển về Bộ LĐ-TB&XH quản lý, chất lượng dạy nghề của các trường CĐ đã cải thiện so với trước. Theo ông Khải, đề xuất chuyển trường CĐ nghề về lại Bộ GD&ĐT quản lý vẫn chưa đủ cơ sở thuyết phục.

Bộ LÐTB&XH nói gì?

Trước đề xuất chuyển trường CĐ nghề về Bộ GD&ĐT quản lý, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng, hiện nay, dạy nghề đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả tuyển sinh CĐ nghề ngày càng tốt hơn, tỷ lệ người học ra trường có việc làm tăng cao. Ngoài ra, khi tiếp nhận toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung hoàn thiện quy định, làm cơ sở cho các trường hoạt động thuận lợi hơn. Tới hết năm 2020, cả nước có 399 trường CĐ, trong đó trên 60 trường đạt tiêu chuẩn đào tạo nghề của Úc, Đức, Anh, Mỹ để nhận đào tạo chương trình của nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Dũng, Luật Giáo dục năm 2019 quy định rõ, Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (trừ trung cấp và CĐ sư phạm). Việc hợp nhất đào tạo trung cấp nghề với trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề với CĐ nhằm phù hợp với trình độ đào tạo nghề của khối ASEAN và thế giới, đảm bảo các quốc gia công nhận bằng cấp của nhau. Khi xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp, theo ông Dũng, Bộ GD&ĐT cũng thống nhất gộp như trên.

“Từ các căn cứ đó, chúng tôi cho rằng những kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, CĐ Việt Nam dù với mong muốn hoàn thiện thêm hệ thống giáo dục đào tạo, nhưng còn thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn. Đề xuất đó cũng chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của Đảng, Nhà nước và chưa đúng với Hiến pháp”, ông Dũng nói.

Một bộ điều hành mới phát triển bền vững

Với đề xuất chuyển trường CĐ nghề về lại Bộ GD&ĐTquản lý, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói, vấn đề quản lý hệ thống trường CĐ không chỉ liên quan đến 2 bộ (GD&ĐT và LĐ-TB&XH) mà còn liên quan đến nhiều phía. Trong luật đã ghi rõ hệ thống trường CĐ này thuộc bộ nào quản lý.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, sự chia cắt trong quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy đối với chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Bên cạnh đó, hai bộ cùng quản lý giáo dục không phù hợp với lý luận và thực tiễn, nên cần đưa về một đầu mối quản lý, mỗi bộ thực hiện một chức năng chính, không chồng chéo; thống nhất đầu mối quản lý cũng dễ ràng buộc trách nhiệm trong đào tạo nhân lực. Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng giáo dục đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.