Quốc hội thảo luận gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:

Quản lý dòng tiền, tránh 'bong bóng' bất động sản, chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 7/1, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ða số đại biểu đồng tình với sự cần thiết, cấp bách trong việc ban hành gói hỗ trợ, song cũng lưu ý đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, vấn đề cốt lõi là với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu được kết quả gì? Do vậy, đề án phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra. Bên cạnh đó, nguồn lực lần này sẽ được phân bổ cho các mục tiêu khác nhau, có phân bổ trực tiếp, có gián tiếp như thuế, lãi suất… Nhưng theo bà Mai, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng từng gói chính sách. “Chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, bà Mai nói.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm soát chặt dòng tiền. “Vay tiền nhưng không dùng để sản xuất mà đem đi đầu tư tài chính, bất động sản là rất nguy hiểm”, ông Hải nhận định. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho rằng, khi thực hiện gói kích thích kinh tế, cần tránh dồn lực vào các kênh đầu tư không phản ánh thực chất, đảm bảo an ninh tiền tệ, quản lý dòng tiền, tránh “bong bóng” bất động sản.

Quản lý dòng tiền, tránh 'bong bóng' bất động sản, chứng khoán ảnh 1
4 lô đất "vàng" vừa được TPHCM đấu giá có vị trí đắc địa khi nằm sát chân cầu Thủ Thiêm. Một số chuyên gia lo sẽ có bong bóng bất động sản từ vụ đấu giá kỷ lục ở Thủ Thiêm. Ảnh: Dân Trí

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), mục tiêu ổn định vĩ mô rất quan trọng, do vậy cần chú ý đặc biệt đến lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công. Đồng thời, cần rà soát khả năng hấp thụ của nền kinh tế. “Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách thức đi, cung cấp cần câu chứ không phải con cá”, đại biểu Huy nói. Ông đề nghị có cơ chế để tránh tình trạng “móc nối, tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng lấy phần trăm chênh lệch”.

Hỗ trợ tối đa cho công nhân, đối tượng yếu thế

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khôi phục thị trường lao động. Bà Thủy dẫn chứng, trong quý III/2021, cả nước có tới 28 triệu người lao động hứng chịu hệ quả tiêu cực của đại dịch. Biến thể Delta đã cuốn đi 1/4 mức lương tháng của người lao động vùng Đông Nam bộ. Đại biểu đề nghị dành kinh phí thoả đáng hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại và tư vấn việc làm để người lao động có cơ hội quay trở lại làm việc.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị chính sách tài khóa, tiền tệ cần tính toán thêm gói hỗ trợ đối với lao động khu vực phi chính thức. Đây là lực lượng thu nhập thấp, ít có cơ hội tiếp cận với các chương trình phát triển kỹ năng nghề, nhưng lại chiếm phần lớn trong lực lượng lao động quốc gia và rất dễ bị tổn thương…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.