Quận Hoàn Kiếm đối thoại người dân bị thu hồi đất tại di tích đền Bà Kiệu

TPO - Phản hồi ý kiến của các hộ dân nằm trong mốc giới thu hồi đất để thực hiện cải tạo di tích đền Bà Kiệu, đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội khẳng định: Khu vực 1 là khu vực bất khả xâm phạm, tức là phải bảo vệ nguyên trạng. Do vậy, việc gia đình đề nghị xây dựng các hạng mục phụ trợ là không phù hợp.

Chiều 21/8, UBND quận Hoàn Kiếm - Hà Nội tổ chức Hội nghị Đối thoại đối với tổ chức và các hộ dân nằm trong mốc giới thu hồi đất thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm.

Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ Vũ Bích Hiền cho biết, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm. Ngày 14/8/2024, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành các Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với 7 hộ dân và 1 tổ chức thuộc dự án. Thời gian thực hiện: từ ngày 14/8/2024 đến ngày 30/9/2024.

Quận Hoàn Kiếm đối thoại người dân bị thu hồi đất tại di tích đền Bà Kiệu ảnh 1

Khu vực GPMB quanh di tích đền Bà Kiệu

Thực hiện theo Điểm b Khoản 4 Điều 89 Luật Đất đai 2024, Ban cưỡng chế thu hồi đất tiến hành tổ chức buổi đối thoại đối với 7 hộ dân và 1 tổ chức thuộc dự án để một lần nữa trả lời các kiến nghị, đồng thời vận động thuyết phục các chủ sử dụng đất ủng hộ, chấp hành di chuyển và bàn giao mặt bằng trước ngày tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật và vật phẩm văn hóa Hà Nội cho biết, quan điểm nhất quán của công ty là ủng hộ chủ trương của thành phố để trả lại đất tôn tại di tích đền Bà Kiệu. Tuy nhiên, quá trình bồi thường hỗ trợ, công ty đề nghị chủ đầu tư lưu ý hỗ trợ thêm cho công ty theo công văn đã gửi UBND quận.

Tại hội nghị, 5/7 hộ dân đã có ý kiến xung quanh các vấn đề: Xác định công trình phụ trợ của di tích; Công khai dự án bằng cách treo pano trước dự án để người dân được biết; xin đất ngoại thành thay vì bố trí nhà chung cư...

Căn cứ biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ lập ngày 12/12/1992 thì Đền Bà Kiệu chỉ khu vực bảo vệ I, bao gồm khu kiến trúc, vườn hoa bao quanh và Tam quan. Hiện tại, trong khu vực này còn tồn tại 1 tổ chức là Công ty cổ phần Mỹ thuật và vật phẩm văn hóa Hà Nội và 7 hộ dân đang sinh sống và kinh doanh tại địa điểm này.

Dự án gìn giữ phát huy giá trị di tích

Giải thích về việc công trình thuộc diện GPMB có nằm trong phạm vi di tích hay không, đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Di sản văn hóa và theo hướng dẫn của Nghị định 166, Nghị định 98, Thông tư 15 về tu bổ, phục hồi di tích. Trong đó, điều 15 Nghị định 98 xác định khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã ghi rõ khu vực 1 là khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích bao gồm bản thân kiến trúc chính, sân vườn ao và các công trình thuộc di tích đó.

Vị này đưa ví dụ như đền Bà Kiệu kiến trúc chính, nhà Tiền đế, Trung cung, Hậu cung và kiến trúc chính để tạo nên di tích gồm có sân, vườn, ao, tam quan. Còn đối với công trình phụ trợ là công trình không phải công trình để ở mà phục vụ cho bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Quận Hoàn Kiếm đối thoại người dân bị thu hồi đất tại di tích đền Bà Kiệu ảnh 2

Đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội trao đổi tại Hội nghị

Theo quy định tại Nghị định 166 và Nghị định 98 về việc hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa thì khu vực 1 là khu vực có các yếu tố cấu thành di tích. Trường hợp này giữ nguyên hiện trạng. Còn trường hợp muốn xây dựng các hạng mục trong công trình phục vụ cho việc bảo vệ di tích thường xây dựng ở khu vực bảo vệ 2.

Đại diện Sở Văn hóa Thể thao khẳng định: Khu vực 1 là khu vực bất khả xâm phạm, tức là phải bảo vệ nguyên trạng. Do vậy việc xây dựng các công trình trong khu vực 1 phải được phép của các cấp có thẩm quyền. Luật quy định các công trình phục vụ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích thuộc khu vực bảo vệ 2 (khu vực được xây dựng các hạng mục) vẫn phải được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. "Do vậy, việc các hộ gia đình đề nghị xây dựng các hạng mục phụ trợ là không phù hợp", đại diện Sở khẳng định.

Vị này thông tin thêm: Sau khi có mặt bằng sạch, việc xây dựng các công trình nào ở trong đó thì chủ đầu tư sẽ báo cáo UBND TP, TP có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận phương án. Nếu Bộ VHTTDL thấy phù hợp với không gian, cảnh quan di tích, quy hoạch chung của khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thì công trình đó mới được chấp thuận. Lúc đó chủ đầu tư mới được thực hiện.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết sẽ tổng hợp các nội dung báo cáo UBND TP, với các nội dung người dân kiến nghị phù hợp quận sẽ báo cáo UBND TP để tiếp thu và trả lời người dân.

Sau triển khai dự án, quận Hoàn Kiếm sẽ bàn giao lại để Sở VHTT tiếp nhận, trình thành phố để có một dự án đầu tư tôn tạo tổng thể. Phó Chủ tịch UBND quận bày tỏ mong muốn các hộ dân đồng hành với quận, vì mục đích chung là bảo tồn và phát huy giá trị di tích. "Về phương án, tôi khẳng định mục tiêu là gìn giữ phát huy giá trị di tích, không có một mục đích nào khác", ông Tùng khẳng định.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.