Quan hệ Mỹ - Trung có thể rơi xuống mức nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các trợ lý. (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các trợ lý. (Ảnh: Getty Images)
TPO - Đang có nhiều lo ngại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tiến đến mức cắt đứt hoàn toàn với nhau, thậm chí xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp trong vài tháng tới. 

Đang có nhiều lo ngại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tiến đến mức cắt đứt hoàn toàn với nhau, thậm chí xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp trong vài tháng tới. 

Khi hai bên yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán của nhau tại Houston và Thành Đô vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi chấm dứt “sự ràng buộc” – chính sách đã định hình quan hệ Mỹ - Trung trong gần 5 thập kỷ và được coi là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng nhất của đảng Cộng hòa trong lịch sử hiện đại. 

“Chúng ta, những quốc gia yêu tự do trên thế giới, phải khiến Trung Quốc thay đổi”, ông Pompeo nói trong bài diễn văn giữa tuần trước tại Thư viện tổng thống Richard Nixon. Năm 1972, Nixon trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc. 

Chuyến thăm đó tạo nên thay đổi hoàn toàn trong quan hệ Mỹ - Trung, để trong nhiều thập kỷ hai nước vượt qua những khác biệt căn bản về thể chế để vừa cùng tồn tại và phát triển kinh tế, vừa hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh. 
Kỷ nguyên đó có vẻ đã qua. 

Hiện có một sự nhất trí của cả hai chính đảng ở Mỹ về sự cần thiết phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ngay cả những học giả và các nhà hoạch định chính sách từng dành nhiều thời gian để xây dựng quan hệ với Trung Quốc với niềm tin rằng quan hệ hợp tác đó sẽ khiến Bắc Kinh phải thay đổi giờ đã vỡ mộng. 

Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận kiểu “búa tạ” của chính quyền Trump, có vẻ với ý định tiến đến một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa và không để dư địa cho đối thoại, là phản tác dụng, có thể dẫn đến xung đột trực tiếp. 

“Có những cách để xử lý quan hệ này mà không cần cho nổ tung. Có những cách để cân nhắc điểm cộng và điểm trừ, chứ không cần phải đối kháng”, Deborah Seligsohn, một nhà ngoại giao Mỹ đã có kinh nghiệm 20 năm, chủ yếu về châu Á, nhận xét. 

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, ông Trump từng nhờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ để có cơ hội tái đắc cử và ngầm chấp thuận việc xây dựng các trại tập trung để giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Ông Trump còn gọi ông Tập là một “người bạn tốt” trong mấy tháng đầu của đại dịch COVID-19. 

Giờ đây, khi cuộc bầu cử sắp đến gần, ông Trump dường như để phe diều hâu với Trung Quốc tự do lên tiếng. 

Ngoài chuyện đóng cửa lãnh sự quán, Mỹ tuần trước buộc tội 2 người Trung Quốc thực hiện hoạt động tin tặc để phục vụ các cơ quan tình báo Trung Quốc và bắt một nhà nghiên cứu Trung Quốc trốn trong lãnh sự quán ở San Francisco. Người phụ nữ đó là một thành viên của mạng lưới gián điệp công nghiệp hoạt động trên khắp 25 thành phố của Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định. 

Hai quốc gia còn gia tăng mâu thuẫn trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại, visa cho sinh viên và phóng viên, đại dịch COVID-19, biển Đông, Tân Cương và Hong Kong. 

Trong nhiều năm, Mỹ vẫn hy vọng có thể thay đổi Trung Quốc. Nhưng điều đó không xảy ra. Trung Quốc dưới thời ông Tập theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn và quyết liệt. Trong khi đó, nước này cũng đã tiến cao hơn trong các chuỗi cung ứng và lên đến mức cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và du hành vũ trụ, đôi khi bằng cách đánh cắp tài sản trí tuệ, theo cáo buộc của các quan chức Mỹ. 

Một số nhà quan sát Trung Quốc nói rằng kỳ vọng hệ thống lãnh đạo của nước này thay đổi chỉ là điều xa vời.

“Điều đó đúng là vô lý. Người Mỹ luôn tự tin quá mức và tự tô vẽ. Họ nghĩ họ có thể thay đổi các nước khác, và nếu mọi thứ không vừa ý họ, họ sẽ đổi mặt và muốn đàn áp bạn”, LA Times dẫn lời ông Wang Yong, giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại ĐH Bắc Kinh. 

Chính phủ Trung Quốc nói rằng sự thù địch của Mỹ chủ yếu là do cảm giác bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, thách thức bá chủ của Mỹ. 

“Những khó khăn hiện nay trong quan hệ Trung – Mỹ là do một bên mà ra, hoàn toàn do phía Mỹ tạo nên”, Ngoại trưởng Mỹ Vương Nghị nói trong cuộc gặp người đồng cấp Đức cuối tuần trước. “Mục tiêu của họ là cản trở tiến trình phát triển của Trung Quốc và họ sẽ làm bất kỳ điều gì để thực hiện điều đó, không hề có giới hạn tối thiểu”, ông Vương nói. 

Ông Vương nói rằng quyền lực mềm của Mỹ, được tạo nên tự sự hấp dẫn của các định chế, xã hội và văn  hóa, có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội Trung Quốc. Nhưng sự hấp dẫn đó đặc biệt suy giảm trong năm nay, khi chính quyền Trump thất bại trong kiểm soát virus corona mà ông Trump cáo buộc do Trung Quốc gây ra, cũng như sự bộc lộ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tình trạng bạo lực của cảnh sát Mỹ.

“Mỹ không còn là sự thể hiện của một hệ thống chính trị lý tưởng trong trái tim của người dân nữa”, ông Vương nói. Khi bất ổn leo thang ở Mỹ, nhiều nhà quan sát Trung Quốc cho rằng hệ thống của Mỹ khiến nhiều người vỡ mộng nên chính quyền Trump phải tăng sức ép lên Trung Quốc để phân tán chú ý.

“Mỹ hiện nay quá hỗn loạn và chia rẽ. Họ rất cần một kẻ thù chiến lược, như Liên Xô và Nhật Bản trước đây, để đoàn kết dư luận trong nước. Trung Quốc là kẻ thù thuận tiện nhất”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói. 

Nhưng Trung Quốc cũng bị chỉ trích đã làm mọi thứ quá mức, thiếu kiềm chế trong thể hiện sức mạnh và giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa để khiến người dân bớt chú ý đến những khó khăn kinh tế và tình hình đại dịch trong nước.

Các chuyên gia cho rằng cách thông thường để tháo ngòi xung đột là lãnh đạo hai nước nói chuyện với nhau, giống như nhiều lãnh đạo làm nhiều lần trước đây. Nhưng ông Trump và ông Tập chưa có cuộc nói chuyện nào với nhau từ tháng 3 đến nay, các quan chức Mỹ cho biết. 

“Gần như ngày nào chúng ta cũng thấy một cú đánh vào Trung Quốc. Có vẻ chính quyền Mỹ muốn Trung Quốc làm điều gì đó triệt để như chấm dứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao”, Orville Schell, giám đốc Trung tâm châu Á tại viện quan hệ Mỹ - Trung, nhận xét. 

Bà Susan Shirk, một cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ và hiện là chủ tịch Trung tâm Trung quốc thế kỷ 21 tại ĐH San Diego, cho rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế và đợi đến cuộc bầu cử Mỹ. Nếu đối thủ của ông Trump là cựu phó tổng thống Joe Biden đắc cử, chính quyền mới của Mỹ sẽ mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, bà Shirk nhận định. 

Trước tháng 11, cả hai bên có thể sẽ hành động cứng rắn hơn nữa, như trục xuất nhà ngoại giao hoặc đóng cửa đại sứ quán.

Trung Quốc có thể gây sức ép lên ông Trump bằng kinh tế. Nếu ông Tập dọa ngừng mua nông sản Mỹ se gây ảnh hưởng đến các vùng có đông cử tri ủng hộ ông Trump, khiến Tổng thống Mỹ phải lùi bước. Hoặc ông Trump có thể lùi bước khi các thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái quá tồi tệ. 

Hoặc một bối cảnh tồi tệ hơn sẽ xảy ra, như nỗi sợ mà nhiều chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đang nghĩ đến: Hai nước sẽ tiến đến một cuộc xung đột quân sự trước khi bầu cử diễn ra.

“Nếu quá muốn tái đắc cử, ông Trump có thể vội vàng muốn một cuộc xung đột quân sự”, ông Schell nhận định. 

“Tôi cực kỳ lo ngại về sự cứng rắn ngạo mạn của Trung Quốc trên biển Đông”, ông Schell nói. 
Bà Shirk nói rằng nguy cơ quan hệ Mỹ - Trung đổ vỡ ngày càng trở nên có thể dựa trên cách hành động của hai nước hiện nay. 

“Nếu đó là một chiến lược bầu cử, họ sẵn sàng chơi với lửa”, bà nói. 

Theo theo LA Times
MỚI - NÓNG