Quan chức NATO cảnh báo kho đạn 'bắt đầu lộ đáy' khi xung đột Ukraine kéo dài

TPO - Các quan chức Anh và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kêu gọi những quốc gia trong khối tăng cường sản xuất trong bối cảnh quân đội phương Tây sắp hết đạn dược để cung cấp cho Ukraine.
Quan chức NATO cảnh báo kho đạn 'bắt đầu lộ đáy' khi xung đột Ukraine kéo dài ảnh 1

Binh sĩ Ukraine ôm một quả đạn. Ảnh: Reuters

Thông tin về nguy cơ thiếu hụt đạn dược được công bố sau khi gói viện trợ cho Ukraine bị cắt khỏi dự luật chi tiêu tạm thời mà quốc hội Mỹ thông qua vào cuối tuần trước nhằm tránh việc chính phủ đóng cửa.

Sự bất ổn về tương lai của dòng viện trợ cho Ukraine càng tăng lên hôm 3/10 khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - người ủng hộ Kiev - bị các đồng nghiệp đảng Cộng hòa bỏ phiếu bãi nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo.

Những động thái này là thông tin đáng lo ngại đối với Ukraine khi cuộc xung đột với Nga bước vào tháng thứ 20, và đặt ra câu hỏi về việc liệu Mátxcơva có đúng khi cho rằng nguồn viện trợ cho Ukraine cuối cùng sẽ cạn kiệt.

Đô đốc Rob Bauer của Hà Lan, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO và là quan chức quân sự cấp cao nhất của NATO, nói về kho dự trữ đạn dược của phương Tây hôm thứ Ba trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn An ninh Warsaw: “Kho đạn giờ đã lộ đáy”.

“Chúng tôi trao các hệ thống vũ khí và đạn dược cho Ukraine, nhưng không phải từ những nhà kho đầy ắp. Chúng tôi đang trao đi từ những nhà kho chỉ còn một nửa hoặc ít hơn ở châu Âu. Và những nhà kho đó hiện đang cạn kiệt”, ông Bauer nói.

Cũng phát biểu tại diễn đàn này, ông James Heappey - một quan chức Anh cho biết mặc dù kho dự trữ có thể đang vơi đi nhưng viện trợ cho Kiev vẫn phải tiếp tục và các nước phương Tây cần tăng công suất để sản xuất thêm đạn.

Ông nói: “Chúng ta phải giúp Ukraine duy trì cuộc phản công. Điều đó có nghĩa là tiếp tục viện trợ và lấp đầy kho dự trữ của mình.”

Quan chức NATO cảnh báo kho đạn 'bắt đầu lộ đáy' khi xung đột Ukraine kéo dài ảnh 2

Lực lượng Ukraine khai hỏa pháo tự hành ở Donetsk. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các nhà phân tích đang cảnh báo rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ cần phải bắt đầu hoạt động thêm giờ nếu không nỗ lực phản công của Ukraine có thể gặp rắc rối.

“Mỹ và các đồng minh đang gửi tới Ukraine nhiều loại đạn dược, nhưng chúng không được sản xuất hoặc giao hàng nhanh chóng như cần thiết”, Thomas Warrick, thành viên cấp cao không của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết tuần trước.

Warrick viết rằng khi Ukraine trì hoãn việc bắt đầu cuộc tấn công mùa hè để có thêm đạn và thiết bị cho tiền tuyến, thì Nga đã có thể xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố nhằm làm cản trở đáng kể bước tiến sau này của Ukraine.

Ông viết: “Các lực lượng của Ukraine đã chứng tỏ mình có khả năng linh hoạt và thích nghi, nhưng họ cần có đủ đạn dược và vũ khí”.

Các sự kiện mới đây ở Washington càng khiến cho niềm tin về tương lai dòng viện trợ cho Ukraine bị lung lay.

“Việc không thể đảm bảo nguồn viện trợ có thể làm suy yếu các hoạt động của Ukraine nhằm giành lại lãnh thổ hoặc đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga trong tương lai”, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Michael McCord viết trong một lá thư gửi lãnh đạo Quốc hội hôm thứ Sáu, trước cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách mới.

“Nếu không có nguồn tài trợ bổ sung ngay bây giờ, chúng tôi sẽ phải trì hoãn hoặc cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống phòng không và đạn dược vốn rất quan trọng và cấp bách khi Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mùa đông và tiếp tục tập kích các mục tiêu ở Ukraine”, McCord viết.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 46,6 tỷ đô la kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đến ngày 31/7. Các đồng minh của NATO đã đóng góp thêm hàng tỷ đô la.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quân sự thừa nhận đạn dược đang được sử dụng với tỷ lệ đáng kinh ngạc trên chiến trường Ukraine.

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN hồi tháng 7 rằng quân đội Ukraine thường bắn từ 2.000 đến 3.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Cũng trong tháng này, Lầu Năm Góc cho biết họ đã cung cấp cho Ukraine hơn 2 triệu quả đạn pháo tính đến thời điểm hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết vào thời điểm đó: “Đây là một cuộc chiến tập trung vào pháo binh. Bạn biết đấy, chúng tôi đã thấy một lượng lớn pháo binh được triển khai ở cả hai bên chiến tuyến. Điều này gây căng thẳng cho việc cung cấp đạn dược.”

Vào thời điểm đó, nguồn cung cấp đạn pháo 155mm tiêu chuẩn của NATO thấp đến mức Washington quyết định cung cấp cho Ukraine những loại đạn chùm gây tranh cãi.

Theo CNN
MỚI - NÓNG