Trong đó có 23 nước cử ngoại trưởng tới dự họp (Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Síp, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Ý, Litva, Luxemburg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha). Bốn quốc gia cử các quan chức chính phủ khác thay thế (Latvia, Thụy Điển, Ba Lan, Hungary).
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU - Josep Borrell tuyên bố trước đó rằng các ngoại trưởng của tất cả 27 quốc gia thành viên sẽ có mặt.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và ông Josep Borrell gặp nhau ở Kiev ngày 2/10. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi đang triệu tập một cuộc họp lịch sử của các Bộ trưởng Ngoại giao EU tại Ukraine, quốc gia ứng cử viên và thành viên tương lai của EU”, ông Borrell viết trên X.
Mục đích của cuộc họp ở Kiev, như ông Borrell giải thích, là “để bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ của chúng tôi đối với người dân Ukraine”. Ông nói rằng đây là cuộc họp “không chính thức” vì diễn ra bên ngoài biên giới của khối.
Các ngoại trưởng sẽ tham gia một cuộc thảo luận chính trị cấp cao trong phiên họp này, mặc dù sẽ không có kết luận hoặc quyết định cụ thể nào được đưa ra. Trọng tâm sẽ là đánh giá tình hình trên chiến trường và thảo luận các cách để hỗ trợ Ukraine hơn nữa trong cuộc xung đột với Nga.
Ngoài ra, các quan chức cũng sẽ thúc đẩy kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó ông kêu gọi Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền. Nga đã bác bỏ kế hoạch này vì cho rằng nó “không thực tế”, coi đây là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn lòng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (phải) và Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna (trái) phát biểu với giới truyền thông trước cuộc gặp ở Kiev. Ảnh: Reuters |
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm Nga tuyên bố rằng chiến dịch phản công được nhiều người mong đợi của Ukraine đang giậm chân tại chỗ.
Cũng có những lo ngại về dòng viện trợ của Mỹ sau khi gói ngân sách dành cho Ukraine bị gạt ra khỏi dự luật chi tiêu mà quốc hội Mỹ vừa thông qua hôm 30/9 nhằm ngăn chặn việc chính phủ Mỹ đóng cửa.
Tuy nhiên, vào Chủ nhật,ông Borrell đã hứa rằng Brussels sẽ “tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hỗ trợ” cho Ukraine bất kể quyết định của Washington.
Theo dữ liệu của EU, khối và các quốc gia thành viên đã cung cấp cho Ukraine hơn 88 tỷ đô la viện trợ kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022.