Quán cà phê của bà lão người Nhật ở Hội An

Bà Reiko cùng hệ thống xử lý nước thải trong U Cafe. Ảnh: Nguyễn Trang
Bà Reiko cùng hệ thống xử lý nước thải trong U Cafe. Ảnh: Nguyễn Trang
TP - Bà Reiko Usuda (Nhật Bản), hiện đang sống tại Hội An được biết đến với quán cà phê sinh học đầu tiên tại Quảng Nam, nơi bà có cơ hội thực nghiệm về môi trường. Bà cũng tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng, giúp cô gái Cơ Tu tại vùng núi Quảng Nam làm việc.

Sáu năm sinh sống và làm việc tại Hội An, bà Reiko Usuda đặc biệt quan tâm đến môi trường. Tại đây, nhờ sự tư vấn của những người bạn, bà đã tìm ra một mô hình thực nghiệm nhằm bảo vệ môi trường là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Reiko tin rằng, từ nhà ở cho đến kinh doanh, mỗi người đều có thể tự xây dựng cách xử lý thông minh này.

Nhiều năm trước khi đặt chân sang Việt Nam, Reiko đã đi nhiều thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, bà nhận thấy có rất nhiều người không thể sử dụng nước sạch và việc ô nhiễm chất thải một số nơi rất nghiêm trọng. Cuối cùng, bà quyết định mở quán U cafe tại Hội An để thực nghiệm về làm sạch môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải tại U cafe gồm 5 hầm. Hầm đầu tiên xử lý chất thải tại nhà ăn và nhà vệ sinh, sẽ tổng hợp tất cả các loại chất thải khác nhau, khi đến một mức nhất định, nước thải tự tràn qua hầm số 2. Nhiệm vụ hầm số 2 có nhiều ống nước tạo lực đẩy chuyển động mạnh, giúp trao đổi nước và không khí. Theo bà Reiko, sự phân giải chất thải mạnh hơn nhờ sự có mặt của oxygen hòa tan. Tiếp đó, nước thải sẽ đẩy tiếp qua hầm số 3, Reiko thiết kế hầm này tích tụ nhiều vi sinh vật tự làm sạch nguồn nước. Đến hầm số 4, 5 thì nước thải đã được làm sạch và thải ra môi trường. Bà sử dụng nước được làm sạch tạo hồ cá thân thiện ngay trong sân vườn.

Theo bà Reiko, hệ thống xử lý này có thể tồn tại khoảng 10 năm. Ngoài ra, để  hạn chế sử dụng năng lượng, bà vận dụng xây nhà, tường bằng hai lớp gạch, khoảng cách ở giữa sẽ giúp giữ nhiệt. Khi đó, về mùa đông, phòng luôn ấm, về mùa hạ, phòng mát mẻ. Bà cũng thường xuyên gửi thư mời đến các sinh viên đại học để cùng bà thực nghiệm các vấn đề sinh thái môi trường bền vững. “Khoảng tháng 11 tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mời các sinh viên trải nghiệm kiểm chứng nguồn nước tại Hội An. Đây được xem như hoạt động thường xuyên để giúp sinh viên hiểu hơn về môi trường”, bà nói.

Bà Reiko thường lên tận thị trấn P’rao (huyện Đông Giang) để mua những sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu, và khuyến khích mọi người làm việc, phát triển kinh tế. Bà Reiko còn cùng với những người bạn – bà Lệ Lý Hayslip, tổ chức Global Village Foundation (Tổ chức Ngôi làng toàn cầu) và ông Manus Campbell, tổ chức Helping Invisible Victims of War (Tổ chức giúp đỡ nạn nhân chiến tranh)  giúp đỡ cho những đứa trẻ tại chùa Quang Châu (Đà Nẵng). Đồng thời, đại diện cho Hội Hữu nghị Việt Nhật tại thành phố Kawasaki, bà tặng xe đạp cho học sinh nghèo trên địa bàn Đà Nẵng, đồng hành bảo vệ môi trường…

MỚI - NÓNG