Dân kiện quan:

Quan bị kiện không ra tòa thì kiện ai?

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 4/6. Ảnh: Như Ý
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 4/6. Ảnh: Như Ý
TP - Chiều 4/6, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ ra rằng, với thực tế chính trị hiện nay việc giao cho tòa án huyện giải quyết các vụ án hành chính liên quan các quyết định của chủ tịch huyện là không khả thi, khó bảo đảm độc lập.

Chủ tịch phán một câu, thẩm phán chạy “té khói”

Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nếu để Tòa án nhân dân (TAND) huyện xử các quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện hoặc chủ tịch huyện thì khó bảo đảm được sự độc lập. Bởi theo hệ thống chính trị hiện nay, TAND huyện có sự lệ thuộc dẫn đến dễ bị chi phối khi xét xử chủ tịch huyện. Do đó, việc để cấp tỉnh giải quyết là phù hợp, bảo đảm sự độc lập.

“Làm sao ông thẩm phán (cấp huyện) dám xử ông chủ tịch huyện, thậm chí ông chánh án cũng không dám xử. Ông chủ tịch huyện phán một câu là mấy ông kia chạy té khói, sao mà dám xử nữa”.   

Đại biểu Trần Du Lịch

ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) cũng khẳng định, các vụ án hành chính thường liên quan đến việc dân kiện quan nên việc tìm ra quy trình bảo đảm sự minh bạch, công khai, độc lập trong giải quyết là hết sức quan trọng. “Ở huyện thì Tòa án, Viện kiểm sát đều sinh hoạt chung trong cấp ủy. Nếu xử quyết định của chủ tịch huyện thì nói thật là khó bảo đảm được sự độc lập”, ông Thành nói và cho hay, ở địa phương khi đưa cấp huyện ra tòa là các cơ quan nội chính phải họp, bàn đi, bàn lại nhiều lần… 

“Tôi đề nghị nên giao cho Tòa cấp tỉnh giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến các quyết định của UBND huyện, chủ tịch huyện. Chứ tôi chắc chắn rằng nếu để cấp huyện xử thì không bao giờ bảo đảm tính độc lập, bình đẳng giữa quan và dân”, ông Thành nói.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng ủng hộ quan điểm là không để cho TAND huyện xử quyết định của chủ tịch huyện. “Tôi nói thật sự là không xử được gì hết. Thực tế là vậy. Tất cả cử tri khiếu nại về đất đai, hành chính mà tôi khuyên họ đưa ra tòa thì đều nói rằng, đừng bày họ làm cái chuyện mất thời giờ. Làm sao ông thẩm phán (cấp huyện - PV) dám xử ông chủ tịch huyện, thậm chí ông chánh án cũng không dám xử. Ông  chủ tịch huyện phán một câu là mấy ông kia chạy té khói, sao mà dám xử nữa. Chúng ta phải thực tế, không lý thuyết chỗ này”, ông Lịch gay gắt.

ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng án hành chính liên quan tới chủ tịch huyện thì phải giao thẩm quyền xét xử cho tòa án tỉnh thì mới độc lập được. Chứ giao cho TAND huyện xử thì sẽ có sự nể nang, không đảm bảo tính độc lập.

Quan sai phải trực tiếp hầu tòa

Đề cập việc Dự thảo Luật quy định “trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho người được quyền xử lý đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện”, ĐB Lương Văn Thành cho rằng không phù hợp.

“Người ký sai thì phải trực tiếp đến giải trình, hầu tòa chứ không thể cứ ủy quyền cho cấp dưới được. Ông là chủ tịch huyện, là người trực tiếp ký quyết định thì ông phải ra tòa chứ sao lại ủy quyền cho ông trưởng phòng tư pháp, tài nguyên môi trường… được”, ông Thành nói.

ĐB Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, án hành chính là án dân kiện quan. Nhưng thực tế khi dân kiện quan thì ít khi thấy quan ra tòa, toàn ủy quyền cho cấp dưới. Hơn nữa cấp dưới đôi khi lại không phải là những người có liên quan nên họ đến tòa chủ yếu là đến nghe và về báo cáo lại. Chính vì vậy, tranh luận tại phiên tòa không đạt được hiệu quả.

“Tranh tụng tại phiên tòa không chỉ chứng cứ mà còn nhiều vấn đề khác. Vì vậy phải quy định, người nào ký quyết định khi bị khởi kiện thì người đó phải ra tòa. Có như vậy mới đảm bảo bình đẳng trong quá trình xét xử, công bằng cho người dân. Khi quan ký sai, quan phải ra tòa mới thấy được cái sai của mình, mới rút được kinh nghiệm, cẩn trọng hơn khi ra các quyết định, nhất là ở lĩnh vực đất đai. Còn nếu ủy quyền thì ủy quyền cho cấp phó hoặc người phụ trách lĩnh vực đó, chứ không nên ủy quyền cho người không liên quan”, ông Đương bày tỏ quan điểm.

Tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cũng cho hay, qua thảo luận có ý kiến cho rằng, để thể hiện sự tôn trọng Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đảm bảo cho bản án hành chính được thi hành nghiêm minh, thì người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải trực tiếp tham gia tố tụng mà không được ủy quyền cho người khác. Vì chỉ họ mới có thẩm quyền sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật.

MỚI - NÓNG
Vua Charles và Hoàng tử William tại lễ chuyển giao. (Ảnh: Reuters)
Vua Charles phong hàm cho Hoàng tử William
TPO - Vua Charles của Anh vừa chuyển giao vị trí cấp cao trong quân đội cho con trai ông là Hoàng tử William tại buổi lễ diễn ra ngày 13/5. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của hai người từ khi Vua Charles trở lại thực hiện nghĩa vụ sau thời gian điều trị bệnh ung thư.