> Thành phố ngầm - Nơi người Việt được tin cậy
Quán ăn thời bao cấp sống lại giữa lòng Hà Nội. |
“Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37”
Nằm khuất trong một con ngõ nhỏ ven hồ Trúc Bạch “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” phố Nam Tràng, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đang làm sống lại một thời bao cấp của Hà Nội xưa.
Tiếng đài cát sét cũ treo trên bức tường gạch phát ra âm thanh rè rè khiến cho không gian cửa hàng đậm chất hoài niệm của những năm trước đổi mới.
Tem phiếu cùng những bức thư ố vàng là kỉ vật của một thời mãi nhớ. ảnh: Kim Anh. |
Chủ nhân của cửa hàng là anh Phạm Quang Minh - một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên với anh thời bao cấp đã trở thành một kỉ niệm sâu sắc.
Anh Minh trầm ngầm kể: “Mình là con út trong nhà nên luôn được lĩnh nhiệm vụ đi xếp hàng. Có những lần đợi cả nửa ngày mới đến lượt khi nhận hàng chỉ là con cá mục bé bằng hai ngón tay”.
Xuất phát từ chính kí ức của tuổi thơ nên từ lâu ông chủ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống này đã ấp ủ được mở một quán ăn mang đậm dấu ấn bao cấp nhưng phải đến khi tìm được ngôi nhà này thì ý tưởng mới có cơ hội để hiện thực.
“Cũng có người cho ý tưởng mở quán của tôi là gàn dở vì nhắc đến thời bao cấp sẽ gợi cho nhiều người kỷ niệm buồn, vì đó là một thời “đau thương” nhưng tôi nghĩ đó cũng là kỷ niệm khó quên trong lòng mỗi người. Đáng để tự hào vì trong thời kỳ khó khăn mà cả nước vẫn vượt qua được” - anh Minh chia sẻ.
Với cách bài trí khác lạ qua những vật dụng độc đáo “cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” đã khắc họa lại cảnh xếp hàng đặc trưng ở thời kì trước. Những vật dụng giản dị như bình đông, đôi dép bọt, dép đúc Trung Quốc, mũ kè, nón lá, viên gạch... đều trở nên sống động hơn.
Ngay cả bộ bàn ghế cũng được sáng tạo từ chân máy khâu cũ. Đặc biệt bộ ảnh đen trắng ghi lại cuộc sống ở Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước được họa sỹ Lê Thiết Cương mua lại bản quyền từ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển hút ánh nhìn của mọi người.
Chỉ vào các bảng hiệu treo trong quán anh Minh tiết lộ thêm: “tất cả đều được kẻ bằng tay cho thật giống ngày xưa. Riêng chiếc ti vi đen trắng đặt trước quầy hàng là vật dụng khó tìm nhất, người ta có thể giữ dải tem phiếu lại nhưng mấy ai giữ chiếc ti vi kềnh càng này. Vất vả lắm tôi mới tìm ra được đấy”.
Những vị khách đặc biệt
Các bạn trẻ thú vị với câu khẩu hiệu treo trong quán. |
Trong tiết trời chớm thu se se lạnh của Hà Nội, một vị khách bỏ lại ồn ào của cuộc sống lặng lẽ tìm về thời bao cấp mà giờ chỉ còn trong kỉ niệm.
Bác Trung Hà (Thụy Khuê - Hà Nội) đôi mắt rưng rưng nhìn vào không gian trong quán nhỏ nói: “cứ nghĩ thời bao cấp đã khép lại mãi thật không ngờ được gặp lại ở đây những bát cơm độn khoai, dưa xào tóp mỡ, chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, chiếc quạt tai voi…”.
Nhắc đến những vị khách của cửa hàng anh Trần Thành Phố - nhân viên phục vụ bàn nói: “Nhiều cụ già tìm đến quán chỉ là để ngắm nhìn lại những vật dụng cũ. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về một thời, vui có, buồn có trong nỗi xúc động. Quán gần là như điểm hẹn giúp mọi người tìm về gần nhau hơn”.
Những vật dụng thân quen khắc họa lại cảnh xếp hàng xưa. |
Lại có những bạn trẻ tìm đến cửa hàng mậu dịch vì tò mò muốn biết xem thế hệ ông bà, bố mẹ mình đã sống “thời tem phiếu” như thế nào.
Ngạc nhiên với chiếc bát sắt tráng men nhẹ tênh em Minh Ngọc – học sinh lớp 10 trường Chu Văn An hồ hởi kể: “Ở nhà mẹ đã kể rất nhiều về thời bao cấp, chuyện xếp hàng, tem phiếu nhưng em vẫn không hình dung được hết. Đó là lý do em tìm đến cửa hàng mậu dịch đặc biệt này”.
Cũng giống suy nghĩ của nhiều bạn trẻ khác em Nguyễn Đức Minh (Gia Lâm - Hà Nội) chuẩn bị đi du học đã quyết định mở một bữa tiệc nhỏ với những món ăn đậm chất dân dã tại đây.
Minh chia sẻ: “em thích những gì cổ kính, xưa cũ, thích chọn nơi mang đậm nét của Hà Nội xưa. Vì thế em chọn cửa hàng mậu dịch này. Như thế sau em sẽ có nhiều chuyện để kể với các bạn nước ngoài nữa”.
Ngày đầu cửa hàng mới mở khách tự nguyện xếp hàng mua thức ăn, có những người đem tặng lại bộ tem phiếu cũ, những bức thư đã nhòe chữ, ngả màu hoen ố do thời gian, chiếc cốc, bát gỉ sắt… Đặc biệt hơn cả là hòn đá xếp hàng của nhà nghiên cứu Hán Nôm Mai Xuân Hải, dịch giả của bộ truyện “Tây du kí”. Chiếc bình đông của nhà văn Hải Hồ do chính con trai ông đem tặng lại quán, chiếc ca nhôm đựng bút vẽ của họa sĩ Lê Thiết Cương cũng được trưng bày trong tủ kính... |