Nhưng cũng vì vậy nên anh có một sức chịu đựng và năng lực đấu tranh mạnh mẽ. Người tuyển lựa anh cho phe phái của mình, nói: Anh trong quá khứ không phải là anh, con người anh hiện tại mới chính là anh. Bởi quá khứ và kỷ niệm có thể bị làm giả. Nói dễ hiểu hơn: Đã đứng trong trời đất, phải chứng tỏ mình trong từng giây phút sống hiện tại.
Lời khoe “Mười năm trước em xinh lắm” không cho thấy liên tưởng nào đến nông nỗi sắc đẹp của em hiện tại. Bốn mươi năm trước, anh nổi danh trong bộ phim nào đấy, không nói lên rằng anh hữu hình ở đây, bây giờ. Huống hồ, anh đưa thành tích 40 năm trước để cầu mong sự giúp đỡ cho tình cảnh hiện tại đang bi đát và mang tính cá nhân.
Đã đành, giới nghệ sỹ thường lắm thứ bệnh: bệnh sỹ, bệnh khoe, bệnh bắt chước, bệnh ham kinh doanh. Nhiều người không còn đồ khoe thì đi mượn, kinh doanh không thành thì mượn dư luận kêu gào đảo nợ và ân hạn. Một đời diễn, một đời dựng và giữ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, mà hành xử vậy, thật khó để cho rằng họ là nghệ sỹ lớn.
Trong bài “Khi thần tượng xuống khỏi lưng voi” (Báo Tuổi trẻ), tác giả viết: “Kỹ năng diễn xuất hoàn hảo cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình của truyền thông đã góp phần đưa một số việc thật ra rất nhỏ trở thành rất quan trọng trong đời sống còn bộn bề khó khăn của cộng đồng…
Nói thế nào chăng nữa thì ở thế kỷ 21 này con người phải bình đẳng trước pháp luật… Không thể chỉ vì anh kiếm sống bằng những hình ảnh của chính mình mà lại được quyền đứng trên luật pháp và quyền lợi của những tổ chức và cá nhân khác”.
Trong khi các bác “nghệ” ưa xa hoa đang hằng ngày khoe mình, phang người và kêu giãn nợ, thì đông đảo nghệ nhân, nghệ sỹ truyền thống đang sống rất vất vả, không tiếng kêu than, không mấy khi lên báo mạng, dù xã hội đền đáp cho họ chưa đáng là bao.
Giữa cảnh buồn khó ấy họ vẫn lưu truyền và gìn giữ được vốn quý nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Chỉ cần so sánh đồng hạng thôi, đã thấy hố sâu giữa hào quang quá vãng và giá trị trường tồn.