"Gắn bó với ba từ năm 3 tuổi, mãi đến gần 20 tuổi mẹ mới nói ra sự thật đó là ba dượng. Trong lòng em ba như là ba ruột, luôn yêu thương che chở các con", nữ bệnh nhân sinh năm 1985 Lê Thị Ánh Hồng xúc động tri ân người bố đã dành một phần thân thể để cứu cô khỏi cảnh bệnh tật.
2 năm trước, một buổi sáng ngủ dậy Hồng bất ngờ thấy hai chân phù to. Trong một tuần cô sút 7 kg và được kết luận suy thận mạn. Từ đó cô cứ một tuần 3 buổi chạy thận nhân tạo để kéo dài sự sống. Chứng kiến con gái ngày ngày bị bệnh tật đớn đau hành hạ, ông Trương Ngọc Xuân 51 tuổi sẵn lòng bày tỏ ý nguyện hiến quả thận. "Nếu cho con một quả thận mà có thể cứu được mạng sống của con, tôi luôn sẵn lòng bất cứ lúc nào", ông bố chia sẻ.
Từ Kiên Giang, hai bố con lên TP HCM thuê trọ, chuẩn bị cho quá trình kiểm tra xét nghiệm trước ca hiến ghép. Thật không may, kết quả hai bố con phù hợp nhóm máu song lại không tương thích kháng thể nên không thể ghép. "Ba khóc và suy sụp rất nhiều, nói rằng dù thế nào cũng phải tìm cách cứu mạng sống con gái", Ánh Hồng chia sẻ. Mẹ ruột của Hồng đang bệnh nên cũng không thể hiến thận cho con.
Bố mẹ ly hôn từ lúc Hồng còn nhỏ, mẹ đi bước nữa nên gần như cô sống và trưởng thành cùng ba dượng. Hồng không cảm thấy có sự khác nhau trong cách ba đối xử giữa mình với hai em gái là con chung giữa mẹ và ba dượng, thậm chí cô còn được cưng chiều hơn. "Từ nhỏ tôi luôn cảm nhận được tình phụ tử một cách chân thành nhưng chính những tháng ngày cùng ba lên TP HCM chữa bệnh mới càng giúp tôi thêm cảm nhận sâu sắc nhất tình cảm thiêng liêng này. Hai cha con không phải ruột thịt nhưng lại có cùng nhóm máu B", Hồng xúc động.
Phó giáo sư Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết Niệu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hai người cho nhận thận đều có cùng nhóm máu, tương đối hòa hợp miễn dịch nhưng người nhận lại có một kháng thể kháng lại HLA của người bố dượng. Nếu ca này tiến hành ghép thận thì rất nguy hiểm, khả năng thải ghép tối cấp có thể xảy ra, thận ghép khó có thể kéo dài. Các bác sĩ đắn đo rất lâu vẫn chưa thể quyết định thực hiện.
Hai gia đình đổi chéo thận cho nhau. Ảnh: C.R.
Sau gần một năm khắc khoải chờ đợi, các bác sĩ thông báo trường hợp của Hồng có thể tiến hành hoán đổi thận để ghép chéo với một cặp bệnh nhân ở Đăk Nông. Đây là đôi người mẹ 58 tuổi tình nguyện hiến thận cho con gái Vũ Thị Huề 32 tuổi. Mẹ và con gái gặp tình trạng tương tự bố con Hồng là đều cùng nhóm máu B nhưng có một kháng thể dương tính với nhau, không thể tiến hành ghép. Huề mồ côi bố, đã lập gia đình sinh hai con, chạy thận gần 3 năm nay.
Theo Phó giáo sư Sâm, nếu hai gia đình này hoán đổi chéo nhau thì kháng thể không chống kháng nguyên người cho, hòa hợp về mặt miễn dịch. Sau khi được các bác sĩ giải thích, bố dượng của Hồng đồng ý hiến thận cho con gái cặp thứ hai và ngược lại mẹ của cặp thứ hai hiến thận cho Hồng. Hai ca mổ nội soi lấy thận tiến hành song song và hai cuộc mổ ghép cùng lúc diễn ra thành công ngày 11/1.
"Cả tôi và Huề đều trải qua thời gian buồn bã vì đều đã có người thân cho thận mà lại không thể phù hợp để ghép", Hồng nhớ lại. Là cặp đầu tiên Việt Nam được đổi chéo thận, cả hai người không tránh khỏi lo lắng hồi hộp nhưng may mắn mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Hai thận ghép đều hoạt động ngay sau khi mở clamp mạch máu, có nước tiểu ngay. Chức năng 2 thận trở về bình thường sau ghép 2 ngày. Bệnh nhân ổn định và xuất viện sau ghép 7 ngày. Gần một tháng sau ghép, sức khỏe của hai bệnh nhân đều đã hồi phục tốt.
Ánh Hồng (giữa) hội ngộ bác sĩ Sâm và người nhận thận của bố dượng trong cuộc hoán đổi ghép cách đây gần một tháng. Ảnh: Lê Phương.
Đây là lần đầu Việt Nam thực hiện ghép thận trao đổi chéo thành công. Ghép thận đổi chéo đầu tiên triển khai trên thế giới vào 1991 tại Hàn Quốc và hiện nhiều nước đã ứng dụng. Lý do đổi chéo thường 3 dạng là người hiến và người nhận không cùng nhóm máu; phản ứng chéo về mặt miễn dịch giữa người hiến và người nhận dương tính nếu ghép vào có thể gây thải ghép tối cấp, quả thận có thể sưng và vỡ trên bàn mổ, gây rối loạn đông máu; người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên người hiến, quá mẫn cảm.
Khỏe khoắn tươi tỉnh sau gần một tháng ghép thận, Ánh Hồng cũng như người bạn cùng ghép được chấm dứt những tháng ngày tinh thần mòn mỏi, tương lai mờ mịt, cuộc sống gia đình đảo lộn vì chạy thận. Người bố dượng không chỉ có công dưỡng dục mà còn "như sinh ra lần nữa", cho đi một phần thân thể quý giá để Hồng hồi phục trở về cuộc sống thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ của hai đứa trẻ 12 và 8 tuổi.