Qua sông Lam, vượt Cổng Trời

Qua sông Lam, vượt Cổng Trời
TP - “Tôi run run hứng chai xăng đầu tiên trong lòng ống chảy ra. Ngay sau đó, nó được chuyển về sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục Hậu cần. Các thủ trưởng cầm chai xăng chuyền tay nhau” - Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu, người đã chỉ huy công trường 18, hồi tưởng.

> Bài 1: Xăng và máu

Vượt sông

"Dự kiến đoạn đường ống thép đầu tiên được lắp đặt qua vùng “tam giác lửa” Vinh- Nam Đàn- Linh Cảm. Nhưng tôi và tất cả những con người trong Công trường 18 gần như chưa có tý kiến thức nào trong lĩnh vực này. Đành phải liều. Thế là vừa làm vừa học, và xác định phải làm trước mùa lũ. Thử thách đầu tiên là lắp đặt đường ống vượt sông Lam…" - Đại tá Phước nhớ lại.

Ngày 22 - 6 - 1968 gần bến đò Vạn Rú bên dòng sông Lam, cách trọng điểm Rú Trét 500m, lực lượng dân quân xã Nam Lân, Nam Đông và các lực lượng phối hợp khác trong tư thế sẵn sàng. Đúng 21 giờ, hiệu lệnh vượt sông bắt đầu.

Đầu ống lắp cút chữ “T” được buộc vào một sợi cáp mà anh em thợ lặn đã rải qua sông từ chiều. Tiếng hò vang lên, hàng trăm cánh tay thanh niên rắn chắc nắm chặt dây cáp, choãi chân, gồng mình lên cùng hợp với sức kéo của chiếc xe tải Romania để kéo ống sang sông.

Đại tá Mai Trọng Phước kể: “Máy bay Mỹ gầm rú trên không, thả pháo sáng rực trời. Chúng tôi lợi dụng ánh sáng đó để thi công. Kéo được một lúc thì ống dưới sông khựng lại, không nhích thêm được xăng – ti - mét nào.

Thợ lặn đã tìm ra nguyên nhân: phù sa lấp cáp, ống lại húc phải đá ngầm dưới lòng sông. Tin ấy làm mọi người choáng váng. Anh em thợ lặn được lệnh lặn xuống gỡ dây cáp lên khỏi bùn, đầu ống cũng được nâng lên khỏi mặt nước”.

Mặc cho máy bay địch đang gầm rít thả pháo sáng, bắn phá dữ dội ngay tại trọng điểm Rú Trét, mặc cho bom nổ gần, nổ xa, lệnh kéo ống vẫn được truyền đi đĩnh đạc.

Tiếng cô gái nào đó cất lên: “Sông sâu nước xiết, khi lòng đã quyết, dời núi qua sông, cùng một sức này…dô hò”.

Cuối cùng, qua một đêm lao động vật lộn với sắt thép, với dòng nước xiết và dưới làn bom đạn, đến 5 giờ sáng 23 - 6 - 1968, cả 500m đường ống đã vượt sông Lam an toàn.

Sự kiện lịch sử ấy khiến bộ đội và bà con địa phương vui mừng và truyền tới lãnh đạo quân đội, Tổng cục Hậu cần. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ống vượt qua một dòng sông lớn không phải bằng những trang thiết bị hiện đại mà hoàn toàn theo kiểu Việt Nam.

Ngày 10 - 8 - 1968 tuyến đường ống 42km vượt “tam giác lửa” hoàn thành.

Đại tá Mai Trọng Phước hồi tưởng: “Tôi run run hứng chai xăng đầu tiên trong lòng ống chảy ra. Ngay sau đó, chai xăng được chuyển về sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục.

Các thủ trưởng chuyền tay nhau chai xăng như cầm trong tay ngọn lửa thần kỳ sẽ tiếp sức cho những đoàn xe ra trận. Mọi người đều nghĩ tới một ngày “dòng sông” đường ống sẽ vượt đi khắp ngả và không còn đổ máu vì phải gùi xăng”.

Sau 45 ngày, toàn bộ đường ống dài 42km đã nối từ kho xăng N1 thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn của Nghệ An, vượt qua sông Lam và sông La vào tới kho N2 của Nga Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Từ thành công đầu tiên, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chủ trương lấy đoạn thể nghiệm này làm trung điểm để kéo dài ra hai đầu. Một đầu từ kho N1 vươn ra phía Bắc, nối thông với vùng không có chiến sự để tạo nguồn xăng ở đầu vào được ổn định.

Một đầu từ kho N2, tiếp tục vươn vào phía Nam đảm bảo cho tuyến vận tải chiến lược. Đường ống phía Nam cũng có hai ngả. Ngả vượt Tây Trường Sơn, tiếp nối đoạn X42, có công trường X42 với nhiệm vụ kéo đường ống từ Nga Lộc vào đến Tổng kho RH 11 thuộc Xóm Rục – Quảng Bình.

Công trường 18 bàn giao tuyến X42 cho đơn vị khác, vào đây làm tiếp đoạn ống xuyên từ Cổng Trời thuộc đất Quảng Bình, vượt qua đèo Mụ Giạ sang Lào, vào đến kho Nà Tông, thuộc tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào.

Đúng giao thừa Tết Kỷ Dậu 1969 thì đường ống hoàn thành và xăng đã được bơm qua đèo Mụ Giạ để vào đến kho Nà Tông.

Đến tháng 3 - 1969, Công trường 18 làm tiếp đoạn ống từ Nà Tông đến Ka Vát. Ngày 9 – 3 - 1969, dòng xăng đã được vận hành thông suốt từ Vinh xuyên qua Trung Lào đến Ka Vat với chiều dài 350km.

Trong năm 1969, tuyến đường ống Tây Trường Sơn này tiếp tục vươn sâu vào phía Nam, tới Hạ Lào, tạt qua Tây Nguyên vào đến miền Đông Nam Bộ.

Ngả đi theo hướng Đông Trường Sơn, bắt đầu thi công đầu năm 1969. Tổng cục Hậu cần tổ chức thêm một công trường gọi là công trường 18B chuyên trách đoạn đường này. Đoạn đường ống bắt đầu từ Quảng Bình, vượt qua đường 9, đi tắt qua biên giới Lào rồi về Bù Trạch, Tây Nguyên, vào tới Play Khốc- Kom Tum.

Động mạch chủ xuyên núi rừng

Cảnh đưa đường ống vượt sông
Cảnh đưa đường ống vượt sông.
 

Những đường ống xăng dầu đã vượt qua đủ loại địa hình, từ núi cao, sông sâu, thung lũng, dốc đèo. Bộ đội xăng dầu làm đường ống trong mưa bom bão đạn, với mức độ ném bom ngày càng khốc liệt của không quân Mỹ.

Từ tháng 11 - 1968 đến tháng 2 - 1969, địch ném nửa triệu quả bom xuống các trọng điểm, đánh hỏng 300 xe, làm thương vong 500 cán bộ, chiến sỹ. Bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay, rừng núi, lòng khe liên tục chớp lửa, run lên bần bật bởi những trận bom B52.

Địch quyết đánh, ta quyết làm. Đoạn qua Cổng Trời, địa hình dốc cao và hẹp, xe chở ống và bể không qua được. Bộ đội phá đá mở Cổng Trời. Chỉ 4 ngày, ô tô đã nối nhau qua Cổng Trời. Nhìn cảnh ấy, kỹ sư Nguyễn Tráng tức cảnh đọc: “Có ai dám phá Cổng Trời/ Để con suối chảy ngược đồi lên non”.

Theo đại tá Mai Trọng Phước, cả công trường 18 đã phải... liều
Theo đại tá Mai Trọng Phước, cả công trường 18 đã phải... liều.
 

Đại tá Mai Trọng Phước nhấn mạnh: “Làm đường ống xăng dầu, thực sự là một cuộc đấu trí giữa ta và địch. Phải liên tục sáng tạo ra những cách làm, nghi binh, ngụy trang, giương đông kích tây…đánh lừa địch.

Ở “tọa độ lửa” đèo Mụ Giạ, để đánh lừa địch, Công trường 18 đã dùng ống hỏng lắp qua nơi địch đã đánh; lại để một số phuy xăng trên tuyến cũ, bom đánh vào là bốc cháy khiến địch lầm tưởng là ta vẫn giữ tuyến đó.

Ở tuyến tránh, bộ đội phải vác ống leo qua đèo Mụ Giạ ven theo bìa rừng, tập kết vào khu vực an toàn để đến tối mới đưa vào lắp ráp theo đường hào đã đào sẵn, lắp đến đâu, ngụy trang đến đó.

Vác ống đã khó, chuyển máy bơm nặng hàng ngàn tấn bằng sức người càng khó hơn. Bộ đội xăng dầu phải mở đường, dùng sức người kéo máy.

Gian khổ như vậy đã làm nảy nở nhiều tấm gương điển hình. Chiến sĩ Quốc Bảo, người nhỏ bé, mỗi ngày vác 20 ống đi liền một mạch 2km đường đèo dốc, xuyên rừng. Chiến sĩ Phùng Văn Nhật giữa đêm vượt đá tai mèo đặt ống đầu tiên trên đèo Mụ Giạ.

Dưới mưa bom bão đạn, đường ống nhiều lần bị đánh trúng, nhưng các chiến sỹ bất chấp nguy hiểm lập tức có mặt để khắc phục sự cố.

Phương pháp tuần tra được khái quát: Tai nghe, mũi ngửi, mắt nhìn; Chân đi tận tuyến, tay lần tận nơi. Nhưng đường ống dài, bom đạn nổ khắp nơi, nhất là đêm tối, việc tìm ra sự cố rất vất vả. Thế rồi, tập thể kỹ sư Hồ Sỹ Hậu, Đào Quang Nghiêm, Võ Thủ Thành đã nghiên cứu giải pháp đo áp lực từ xa bằng đường đo áp dựa vào số đo của đồng hồ áp suất ở các trạm bơm và các “cửa”. Sáng kiến này giúp bộ đội nhanh chóng tìm ra được điểm rò chảy vỡ ống và kịp thời xử lý.

Bộ đội xăng dầu đã lập ra những kỳ tích xứng đáng được ghi vào kỷ lục. Bài toán nan giải: làm sao đưa xăng qua đèo Đá Bàn cao gần 1.000m.

Lịch sử vận chuyển bằng đường ống của thế giới, hình như chưa có nơi nào xây lắp đường ống qua một độ cao mà áp suất trong đường ống sẽ lên tới 400 atmosphere.

Sau khi lắp đặt xong, bộ đội thử bơm nhiều lần nhưng xăng dầu không qua được. Cuối cùng họ nghĩ ra cách: đặt nhiều trạm bơm đẩy kiểu PNU35/70 để bơm dần theo từng cấp. Cách đó đã đưa xăng dầu vượt đèo cao, không vỡ ống.

Khi đoạn tuyến từ Cổng Trời tới Ka Vat hoàn thành, tướng Đinh Đức Thiện nói: “Đây là thắng lợi mang tầm vóc chiến lược, đặc biệt nó đập tan luận điệu huênh hoang của viên tướng không quân Mỹ Catty Lonmon: sẽ biến xe pháo của Việt cộng thành những đống sắt rỉ, bằng cách ngăn chặn triệt để đường tiếp liệu”.

Còn tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thì nhận xét: “Động mạch chủ này đã xuyên qua bao cánh rừng, bao đồi núi, “tiếp máu” kịp thời cho lực lượng vận tải cơ giới góp phần quan trọng vào việc giành thắng lợi trong chiến dịch vận chuyển nước rút”.

Ở “tọa độ lửa” đèo Mụ Giạ, để đánh lừa địch, Công trường 18 đã dùng ống hỏng lắp qua nơi địch đã đánh; lại để một số phuy xăng trên tuyến cũ, bom đánh vào là bốc cháy khiến địch lầm tưởng là ta vẫn giữ tuyến đó. Ở tuyến tránh, bộ đội phải vác ống leo qua đèo Mụ Giạ ven theo bìa rừng, tập kết vào khu vực an toàn để đến tối mới đưa vào lắp ráp theo đường hào đã đào sẵn, lắp đến đâu, ngụy trang đến đó.

Phùng Nguyên
Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.