Quá nhiều 'cửa' rửa tiền

Quá nhiều 'cửa' rửa tiền
TP - Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền sáng 15-11, một số đại biểu QH cho rằng, với nền kinh tế giao dịch tiền mặt như hiện nay, Việt Nam có quá nhiều "cửa" để tiền bẩn được hợp pháp hóa.

> Phòng chống rửa tiền: 6 năm chưa phát hiện vụ nào
> Cần có cơ chế phòng chống rửa tiền với tổ chức tài chính

Công cụ để tham nhũng

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, Luật Phòng, chống rửa tiền phải gắn với thực tiễn Việt Nam. Ở Việt Nam rửa tiền là công cụ để tham nhũng và ngược lại tham nhũng tạo điều kiện cho rửa tiền. Trong khi đó, việc thanh toán qua ngân hàng rất hạn chế mà chủ yếu là thanh toán bằng tiền mặt.

“Ở các nước nếu vào một cửa hàng ăn mà móc một xấp đô la ra thanh toán là rất kỳ quặc và bị nghi ngờ. Còn ở Việt Nam thì vác cả bao tiền, bao vàng đi để thanh toán cho nhau” - Ông Nghĩa nói.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nhận định, ở Việt Nam hoạt động rửa tiền chắc chắn đã xảy ra, nhưng không phải qua các tổ chức ngân hàng, tài chính. "Chúng ta có một thị trường tiền mặt và các loại hàng hóa có giá trị như tiền hoạt động rất dễ dàng; mua, bán, chuyển nhượng tự do. Do vậy, luật phải qui định cụ thể hơn, nhất là phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam" - Ông Châu nói.

ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) dẫn Báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 74/2005 của Chính phủ, cho thấy, Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền. Nguyên nhân do hệ thống thanh tra giám sát, kế toán và tìm hiểu khách hàng kém phát triển. Mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn. Nguồn gốc các khoản tiền bất hợp pháp tại Việt Nam là lừa đảo, đánh bạc, buôn bán vũ khí, ma túy, phụ nữ, buôn lậu, tham nhũng…

Quá nhiều "cửa" rửa tiền

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng, nếu nền kinh tế còn sử dụng nhiều tiền mặt và vàng như hiện nay thì việc phòng, chống rửa tiền là "vô phương cứu chữa”. Số phận của luật này cũng giống như Nghị định cách đây 7 năm là chỉ nhằm đáp ứng cam kết quốc tế.

Theo ông Quốc, luật này mới chỉ bàn đến một cửa phổ biến nhất để chống rửa tiền là ngân hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại vô cùng nhiều cửa để rửa tiền.

"Chỉ cần mua một căn hộ cao cấp là có thể rửa hàng triệu đô la, mà hoàn toàn giao dịch bằng tiền mặt, thậm chí được khuyến mại, đến thuế cũng không ai kiểm soát. Với kỷ luật giao dịch tài chính như vậy thì luật này có ban hành cũng không cải thiện được tình hình bởi người ta vẫn có cửa khác để đi"- Ông Quốc nhận định.

ĐB Phạm Đức Châu kiến nghị, muốn chống được rửa tiền thì phải thực hiện nghiêm quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Phải minh bạch thu nhập, tài sản cá nhân ở thời điểm phát sinh nhu cầu hợp pháp hóa tiền, tài sản hợp pháp.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đồng tình, cần gắn hoạt động phòng, chống rửa tiền với việc kê khai tài sản. Những tài sản lớn có dấu hiệu bất minh của cán bộ, công chức, quan chức cần được xác minh, kiểm tra.

"Tôi thấy các ngân hàng nước ngoài nếu phát hiện những khoản tiền không chứng minh được nguồn gốc thì họ không nhận thanh toán, chúng ta trái lại, càng nhiều càng tốt, không quan tâm đến tính minh bạch của khoản tiền thông qua giao dịch ở ngân hàng" - Ông Nam lo ngại.

ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, nên phân biệt tiền bẩn rửa trong nước, tiền mang ra nước ngoài để rửa và tiền nước ngoài bẩn mang vào rửa tại Việt Nam. Từ đó mới có các biện pháp phòng, chống tương ứng.

Ông Tường nhận định, ở Việt Nam, phương thức rửa tiền phổ biến nhất là thông qua các hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư bất động sản, kinh doanh chứng khoán. Các tổ chức tham gia rửa tiền chủ yếu là doanh nghiệp được hình thành một cách hợp pháp.

"Điều này cũng dễ hiểu vì thời gian dài chúng ta kêu gọi, thu hút đầu tư mà ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền. Việt Nam không đòi hỏi bất cứ một thông tin nào liên quan đến nguồn gốc các khoản tiền được đưa vào Việt Nam" - Ông Tường nói.

Dẫn đến, thời gian qua quan hệ thị trường khó kiểm soát, tỷ giá bất ổn, tội phạm kinh tế theo đuổi các hoạt động bất hợp pháp gia tăng.

Mức giao dịch bao nhiêu phải khai báo?

Về mức giao dịch phải báo cáo, điều 21 dự thảo luật quy định, mức giao dịch phải báo cáo là có giá trị lớn và giao cho ngân hàng nhà nước quy định "mức có giá trị lớn". Tuy nhiên, ĐB Lương Văn Thành (TP Hải Phòng) cho rằng, quy định như vậy rất khó thực thi. "Giá trị lớn là bao nhiêu? Tại sao lại giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định mức giá trị lớn? Tại Bộ Luật Hình sự khi áp dụng gặp những khái niệm: hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có giá trị lớn cũng rất khó" - Ông Thành nói.

Theo đại biểu này, Luật Phòng, chống rửa tiền của một số nước trên thế giới như Mỹ, Úc quy định trên 10.000 đô la, ở Nhật là trên 30 triệu Yên là phải lưu trữ chứng từ và báo cáo. Nghị định 74/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền cũng quy định giao dịch tiền mặt trên 200 triệu đồng, gửi tiền tiết kiệm trên 500 triệu đồng phải báo cáo.

Do vậy, Luật Phòng, chống rửa tiền cần quy định cụ thể một mức giá trị để thực hiện. Tuy nhiên, để tránh phải sửa đổi nhiều lần, ông Thành đề xuất, mức giao dịch phải báo cáo nên quy bằng hệ số tiền lương cơ bản để dễ điều chỉnh.

Nhiều đại biểu kiến nghị cơ quan phòng, chống rửa tiền phải để ở Bộ Công an.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.