Quả đắng từ việc mua bán online mùa dịch COVID -19

Những quảng cáo tăng tương tác với chi phí thấp
Những quảng cáo tăng tương tác với chi phí thấp
TP - Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến cho các hoạt động mua bán online tấp nập trở lại. Đi kèm với dịch vụ tiện dụng này, luôn là những than vãn “bị lừa”, “hàng mẫu một đằng, hàng bán một nẻo”...

Nguy hại hơn, khi trong số hàng hóa giả, dởm bán đầy trên mạng, có cả những sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nhiều cái kết đắng của việc mua bán online đã được các bác sĩ cảnh báo.

Những cú “chết tâm” giống nhau như đúc

Quả đắng từ việc mua bán online mùa dịch COVID -19 ảnh 1 Bệnh nhân N. bị bỏng mặt vì mỹ phẩm trên mạng

Đợt cách ly trước, vì các cửa hàng đóng cửa, tôi đặt qua mạng một bộ đồ mặc nhà chất liệu cotton. Thấy topic bán hàng có tới hơn 5.000 lượt thích và đến cả ngàn comment, tôi yên tâm chuyển tiền. Một tuần sau, bộ quần áo mà tôi nhận được là một đống vải nilon bèo nhèo, khác xa hình mẫu từ kiểu dáng đến màu sắc, chất liệu. Khi tôi lên fanpage phản hồi mới phát hiện ra, các comment về chất lượng sản phẩm đều bị chặn. Đem thắc mắc về số lượng cả nghìn comment trước đó từ đâu mà có, tôi được những người trong nghề mở mắt. Câu chuyện này tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

Cũng trong đợt “ở nhà là yêu nước” trước, bên cạnh hai hội nhóm cực kỳ nổi tiếng là “Yêu bếp nghiện nhà” và “Ghét bếp không nghiện nhà”, một hội cũng xôm không kém chính là “Mua hàng online và cái kết đắng”. Gần như mỗi một giờ, các thành viên của nhóm lại được một phen dở khóc dở cười vì những pha lừa ngoạn mục được các khổ chủ thay nhau bóc phốt. Quần áo, đồ gia dụng, đồ bếp, mỹ phẩm... không lĩnh vực nào là không có nạn nhân.

Đến cả sách vở cũng không thoát. “Đặt mua bộ sách “50 sắc thái” được ship nguyên đai nguyên kiện một tờ giấy photocopy 50 cấp độ của bảng màu. Hỏi thế gian tình là chi mà chúng nó lừa mình sống chết”. Câu chuyện của nick “Leo cầu thang” đã trở thành đỉnh điểm tương tác của ngày hôm ấy với 4.300 like chỉ trong một buổi sáng.

Các chiêu lừa này, dù sao cũng mới chỉ khiến người ta mất tiền mà thôi. Những trả giá cay đắng đúng nghĩa tiền mất tật mang tập trung ở những người có thói quen mua mỹ phẩm và sản phẩm làm đẹp qua mạng.

Bác sĩ da liễu Nguyễn Thu Hà (phòng khám da liễu Hà Nội) cho biết: Số lượng bệnh nhân đến phòng khám điều trị dị ứng mỹ phẩm chiếm khoảng 30-40%, trong đó đa số họ bị dị ứng vì mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Một bác sĩ ở bệnh viện Da liễu TW cũng tiết lộ: “Số lượng người bị hỏng da vì mỹ phẩm giả có xu hướng tăng. Trung bình mỗi ngày tôi điều trị cho 3-6 trường hợp ở trong tình trạng này. Có người chỉ bôi mỹ phẩm giả một ngày nhưng quá trình điều trị hồi phục kéo dài đến 6 tháng”.

Mánh lừa đa dạng

Trở lại với câu chuyện like, comment khủng mà vẫn bán hàng dỏm đã nói ở trên, một người trong nghề cho biết: Việc tạo ra số lượng tương tác giả vốn không hề khó. Chỉ cần bỏ tiền thuê kỹ thuật viên là một topic bán hàng sẽ có số lượt tương tác khủng.

Người này nói thêm, thực ra các “shop lừa” còn có một mánh khác là chọn ảnh sản phẩm thật xịn (thậm chí lấy luôn ảnh của các nhà mẫu thế giới) đăng lên và không ghi giá tiền. Khách vào xem thấy thích mắt, muốn hỏi giá thì phải comment hoặc chấm (.). Dưới mỗi chấm, chủ shop sẽ để một trả lời tự động kiểu như “anh, chị xem inbox”. Nhờ thế, số lượng comment cũng rất cao. Song điều giống nhau ở những shop lừa chính là không thể tìm thấy phản hồi tiêu cực nào. “Đây là một cách để phân biệt shop thật và shop lừa, hàng thật sẽ luôn có các ý kiến khen chê, không có mặt hàng nào có thể chiều lòng mọi thượng đế, nếu không có thì nó chính là giả”, anh nhấn mạnh.

Một chiêu lừa khác, tinh vi và đắt tiền hơn, mà các shop bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay dùng, đó chính là thuê “thủy quân”. Đây là một nghề nghiệp ở Trung Quốc, hiện đã khá phổ biến ở Việt Nam. Những “thủy quân” được trả tiền để “làm ngập” các trang blog, diễn đàn, mạng xã hội hoặc group chat bằng những bình luận không trung thực, hoặc thông tin không chính xác về một sản phẩm, nghệ sĩ hoặc một bộ phim. Hầu hết các loại kem trộn, mỹ phẩm tự pha chế, mỹ phẩm giả hiện nay đều sử dụng “thủy quân” để quảng bá sản phẩm của mình.

Để tìm hiểu kỹ hơn về cách bán hàng này, tôi đã đặt mua trên mạng một sản phẩm trị sẹo tên là Pangea được bán cực kỳ phổ biến và được quảng cáo là: “sản phẩm cao cấp của Malaysia, trị tất cả mọi loại sẹo, kể cả sẹo lâu năm”. Sản phẩm thần thánh này về tay tôi trong tình trạng nhãn bong, bao bì mờ nhạt, tiếng Anh sai chính tả, không có hướng dẫn sử dụng (là yêu cầu bắt buộc với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe), không có tem chống hàng giả. Thế nhưng tràn ngập trên mạng là những hình ảnh “xóa sẹo như photoshop”, trong đó cả những sẹo mổ lâu năm cũng được các “bệnh nhân” khẳng định là “xóa hết”.

Tôi đem câu hỏi này đến bác sĩ da liễu Nguyễn Xuân Quang (phòng khám MD.Medical) thì được anh khẳng định: “Hiện trong số các sản phẩm trị sẹo trên thế giới chưa có loại dung dịch (kem, toner...) nào có thể xóa được sẹo lâu năm hoặc sẹo có diện tích lớn, thậm chí sẹo trứng cá (vốn có diện tích nhỏ). Bởi khi mô sẹo hình thành cũng có nghĩa là làn da đã bị rối loạn nghiêm trọng về cấu trúc, chức năng, do đó nếu chỉ bôi một sản phẩm lên mô sẹo thì không thể đem lại hiệu quả cao. Việc cố gắng loại bỏ mô sẹo không đúng cách cũng là yếu tố làm cho sẹo trở nên nghiêm trọng hơn”.

Khi tôi đem câu chuyện này chia sẻ lên một forum trị sẹo, lập tức có hàng chục comment chia sẻ “Pangea lừa đảo, bôi cả hai lọ mà sẹo vẫn hoàn sẹo”.

Tiền mất tật mang

Mới đây, Bệnh viện da liễu Trung ương đã chia sẻ trường hợp bị bỏng mặt vì dùng dưỡng chất trị nám và trứng cá bán trên mạng của một bệnh nhân để cảnh tỉnh những người khác. Theo đó, chị N (26 tuổi, đến từ Nghệ An) cho biết: “Khi xem hình ảnh quảng cáo về sản phẩm với một bên da đen sạm và một bên đã được “bóc” trắng sáng, tôi đã mua ngay không suy nghĩ, chỉ hết 100 nghìn đồng và bôi theo hướng dẫn”. Kết quả là chỉ bôi đến lần thứ hai N. đã cảm thấy châm chích, rát, da đổi màu thấy rõ, thâm sạm. Lo lắng liên hệ hỏi người bán hàng thì N. được giải thích là do da chưa đủ thời gian bong tróc, cần bôi thêm vài lần.

Năm ngày sau, N. đến Bệnh viện Da liễu khám trong tình trạng da mặt bị “cháy” đen sạm, da mặt bị tổn thương phù nề, đỏ thẫm, ngứa rát.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà cũng cho biết: năm nào chúng tôi cũng lên tiếng cảnh báo bệnh nhân da liễu không nên dùng loạn sản phẩm trị mụn, thâm, nám trên mạng nhưng năm nào số lượng bệnh nhân là nạn nhân của các loại kem này cũng không hề giảm. Buồn nhất, mới đây, một cô gái đã phải dời hôn lễ để điều trị da mặt kích ứng, phù nề, lở loét do dùng kem trắng da cấp tốc bán trên mạng. 

Theo bác sĩ Hà, thành phần chính của những mỹ phẩm “làm đẹp cấp tốc”, “hiệu quả tức thì” trên mạng đều có corticoid, acid salicylic liều rất cao, propylen glycol, chì, thuỷ ngân... Tùy cơ địa người dùng mà những chất này có thể tàn phá da từ nhẹ đến nặng. Một số chất nếu dùng kéo dài có thể làm hỏng da vĩnh viễn, hoặc gây ung thư da.

Có những trường hợp khi dùng sản phẩm có tính chất lột rửa mạnh, thời gian đầu da đẹp hơn nhưng một thời gian da sẽ bị teo mỏng, thay đổi sắc tố, mọc mụn, mẩn ngứa, kích ứng, phụ thuộc corticoid. Thời gian ủ bệnh này có thể kéo dài sau vài tháng hoặc vài năm sử dụng.

Lời khuyên của bác sĩ Hà dành cho các bệnh nhân da liễu là: Khi có vấn đề về da mặt như rám da, mụn trứng cá... bệnh nhân cần được đi khám, điều trị với bác sĩ chuyên khoa da liễu thay vì tự mua các sản phẩm theo đồn thổi.

Khuyến cáo của các bác sĩ

Bất kỳ sản phẩm y tế nào cũng phải có hướng dẫn sử dụng, nếu không đó là sản phẩm trôi nổi. Tuyệt đối nói không với những sản phẩm ghi chung chung hoặc không ghi thành phần trên bao bì. Nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (Có địa chỉ sản xuất, số điện thoại, số đăng ký kinh doanh, website sản phẩm...), được kiểm nghiệm và cấp phép đầy đủ của Bộ Y tế và quản lý dược.

MỚI - NÓNG