PVN sẽ khởi động lại 2 dự án ethanol vào cuối năm 2017

PVN cho biết, từ giờ đến cuối năm 2017 sẽ khởi động lại 2 nhà máy Ethanol Bình Phước và Dung Quốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Ảnh minh họa
PVN cho biết, từ giờ đến cuối năm 2017 sẽ khởi động lại 2 nhà máy Ethanol Bình Phước và Dung Quốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Ảnh minh họa
TPO - Ngày 19/7, trong buổi làm việc với Tổ công tác của Chính Phủ do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, sẽ khởi động lại 2 dự án (DA) ethanol Bình Phước và Dung Quất vào cuối năm 2017, đồng thời đưa ra các phương án xử lý dự án thua lỗ.

PVN cần đoàn kết, thống nhất trong điều hành

Theo ông Mai Tiến Dũng, đây là thời điểm này PVN khó khăn nhất nhưng chính vì thế, PVN càng phải quyết tâm, đoàn kết, thống nhất trong điều hành. “Thủ tướng nói rằng, trong quá trình làm có kiểm tra, có sai sót thì sửa nhưng Tập đoàn cần phải có gắn kết, kỷ cương trong thăm dò, khai thác, quản lý dòng tiền, nhân sự ...”, ông Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Theo ông Dũng, với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm nay về tổng sản lượng, doanh thu… PVN có vai trò lớn trong đóng góp chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước. Việc yêu cầu PVN tăng khai thác không đơn giản là lấy sản lượng mà phải căn cứ, tính toán đảm bảo cả hiệu quả khai thác và đảm bảo lâu dài về nguồn năng lượng cho đất nước. Thủ tướng lưu ý tập đoàn phải cố gắng tốt nhất trong kế hoạch thăm dò trong và ngoài nước. Phải đảm bảo chi phí, giá thành sao cho hiệu quả.

PVN cho biết, từ giờ đến cuối năm 2017 sẽ khởi động lại 2 nhà máy Ethanol Bình Phước và Dung Quốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc này nhằm đáp ứng nguồn cung E100 để phối trộn xăng E5 RON92, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Đồng thời thực hiện quyết liệt giải pháp về 5 dự án yếu kém của PVN (gồm xơ sợi Đình Vũ, đóng tàu Dung Quất và 3 dự án nhiên liệu sinh học).

Để đạt mục tiêu trên, PVN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Quy chế tài chính, Điều lệ tổ chức hoạt động, Kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2016-2020. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bao tiêu sản phẩm của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, nguồn bù chênh lệch thuế suất với Nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ với DỰ án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn; cơ chế hoàn trả tiền PVN thay mặt Chính phủ bù cho Cty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn trong 10 năm sau ngày vận hành thương mại.

Cần giải quyết nhanh DA thua lỗ

Vấn đề lớn được Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề cập là việc xử lý, khắc phục tình trạng thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả ở một số dự án của ngành dầu khí như các dự án Ethanol Phú Thọ, Bình Phước, Dung Quất, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ...mà Tập đoàn PVN phải có chủ trương sớm để khắc phục, xử lý.

“Các dự án đã đầu tư rồi nhưng kém hiệu quả, thua lỗ, khôi phục được thì tốt còn nếu không, phải có phương án sớm. PVN cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và xử lý tốt các dự án yếu kém, đẩy nhanh tiến độ xử lý nhanh các yếu kém theo tinh thần chỉ đạo mà Văn phòng Trung ương Đảng đã thông báo. Thủ tướng đã nêu quan điểm: Ngành công Thương xử lý theo nguyên tắc quản lý theo kinh tế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn”, ông Dũng nêu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Minh Hồng cho biết, tập đoàn mất nhiều thời gian để tiếp các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm điểm. Việc khắc phục DA thua lỗ, yếu kém của ngành là niềm trăn trở, nỗi đau của những người làm dầu khí. Nhiều DA chuyển tiếp từ các thế hệ trước, tập đoàn vẫn phải vào cuộc quyết liệt để khắc phục nhưng cũng có rất nhiều khó khăn như yêu cầu phải xử lý dứt điểm nhưng không bơm đồng nào...

“Như vậy giống như người ốm cần thuốc nhưng không có tiền mua thuốc... Vì ngay các dự án phá sản cũng cần tiền: các định giá trị, bảo vệ công trình, tiền điện nước duy trì... thì rất khó. Nên các bộ, ngành hướng dẫn thêm”, ông Hồng đề nghị.

Trả lời ý kiến ông Lê Minh Hồng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nếu như các DA yếu kém xem xét, đưa vào vận hành hoạt động, ra được sản phẩm, khắc phục được là tốt nhất. Còn nếu không vận hành được như Bột giấy Phương Nam thì đề nghị Bộ Công Thương, PVN có giải pháp không loại trừ cho phá sản, bán, phải quyết toán được.

“Ở đây là không bổ sung vốn đầu tư chứ không phải không có chi phí nhất định. Nguyên tắc là không điều tiết từ ngân sách nhà nước nữa khi không khẳng định hiệu quả”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG