Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), giai đoạn 2011 – 2015, cả nước chỉ phá sản được 8 DNNN thua lỗ. Từ năm 2016 đến nay chỉ phá sản được 1 DN. Số lượng này quá ít so với toàn bộ DNNN thua lỗ, cần phải phá sản. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chủ nợ và người lao động đều không muốn phá sản.
Ngoài ra, việc thất thoát tài sản của dự án, doanh nghiệp yếu kém nhưng chưa xác định trách nhiệm của ai. Bộ máy quản lý, cơ quan chủ quản kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau.
“Không ai biết dòng vốn nhà nước trong DN đang chảy như thế nào? Muốn biết phải tập hợp các báo cáo nhưng mất rất nhiều thời gian và cũng không có con số chính xác. Đây là nhược điểm lớn nhất của quản trị, thiếu mô hình giám sát nên không cảnh báo được rủi ro, yếu kém. Và chỉ phát hiện ra khi hậu quả đã rồi”, đại diện CIEM cho biết.
Ngoài ra, trong quá trình tái cơ cấu DNNN, mô hình chuyển DNNN về Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC) rất tốt nhưng quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc. Dù luật đã quy định rõ ràng nhưng khảo sát của CIEM tại nhiều DN cho thấy, cơ quan quản lý có những văn bản dưới luật cho phép DN giữ lại, không chuyển về SCIC.
Hơn nữa, gánh nặng nợ quốc gia thông qua vay của DNNN chưa có dấu hiệu cải thiện. Mà nguyên nhân lớn nhất là do 'quan hệ thân hữu, lợi ích'. Lợi ích của việc quản lý tài sản nhà nước quá lớn nên nhiều cá nhân không muốn thay đổi, thậm chí trì hoãn tái cơ cấu DNNN.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cơ cấu lại DNDN là 1 trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Cần thiết nâng cao được hiệu quả sử dụng tài sản hiện có của nhà nước, trong đó có DNNN, chỉ cần nâng thêm 1 điểm % của DNNN thể tăng thêm 3-4 tỷ USD. Từ đó đẩy tỷ lệ tăng trưởng lên 7-8%.
“Chúng ta cần tăng trưởng bền vững dựa trên việc tái cơ cấu DNNN, chứ không thể hút dầu, khai thác than để tăng trưởng”, ông Cung nói.
Theo CIEM, quá trình cổ phần hoá DNNN còn chậm, hiệu quả chưa cao. Năm 2015, trong 128 DN IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) chỉ bán được 36% số cổ phần chào bán. Sau IPO, nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ trong các DN. 5 tháng đầu năm 2017 chỉ cổ phần hoá được 15 DNNN.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, văn bản pháp lý về tái cơ cấu DNNN đã đầy đủ nhưng quá trình thực thi chưa tốt. Nguồn vốn của DNNN sau khi thu hồi cần đầu tư phát triển hợp lý, chứ nếu tiếp tục đầu tư sang DNNN khác sẽ là “đánh bùn sang ao”.