Kỹ sư kiểm tra hệ thống đường ống dẫn khí.
Mất 30-40% thời gian để xử lý các công việc trong quá khứ
Còn nhớ trong lần làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, nguyên Phó Tổng giám đốc Lê Minh Hồng (vừa nghỉ hưu từ tháng 9/2017) nói: “Tôi đã gắn bó cả cuộc đời với ngành dầu khí và chuẩn bị nghỉ hưu nên cũng chẳng e ngại gì và nói thật, hiện nay PVN rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Việc kiểm điểm là cần thiết và PVN vẫn làm nghiêm túc, nhưng các cơ quan nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện. Đầu năm tới nay, nhân sự tập đoàn mất 30-40% thời gian xử lý các việc trong quá khứ, không còn tâm trạng làm việc”.
Với những dự án thua lỗ đang tìm cách khắc phục, ông Hồng cho rằng, đây là nỗi đau của những người làm dầu khí. Đây là hậu quả thế hệ trước để lại, tập đoàn đang cố gắng khắc phục nhưng gặp nhiều vướng mắc.
Nói về những khó khăn mà người lao động dầu khí đang phải vượt qua, GS. TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Dầu khí Việt Nam - người gắn bó cả cuộc đời với ngành dầu khí, đã bật khóc ngay tại hội thảo “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” gần đây (26/9). Ông Thoảng tâm sự: “Thử thách đối với PVN hiện nay là cơn bão có tính toàn cầu; các công ty dầu khí hơn nhau ở chỗ ai vượt qua cơn bão mà ít tổn thất nhất. Còn những khó khăn chủ quan phần lớn là hậu quả do quá khứ để lại. Ai có lỗi người đó chịu. PVN không có lỗi, chỉ có đóng góp… 60.000 người vẫn đang lao động hăng say”.
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Thủ tướng tại PVN (ngày 19/7/2017), Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, PVN có vai trò lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước. Hiện nay là thời điểm khó khăn nhất với PVN nên tập đoàn càng phải quyết tâm, đoàn kết, thống nhất trong điều hành. “Trước khi Tổ công tác tới làm việc tại PVN, Thủ tướng nói rằng, trong quá trình làm có kiểm tra, có sai sót thì sửa. Tập đoàn cần phải gắn kết, kỷ cương trong thăm dò, khai thác, quản lý dòng tiền, nhân sự... Điều quan trọng nhất hiện nay là xây dựng niềm tin của PVN. Thủ tướng có nói, lãnh đạo tập đoàn cần tạo không khí tốt, đoàn kết cao để hoàn thành và vượt chỉ tiêu để góp phần trong kinh tế năm 2017”, ông Dũng kể lại.
Những ngày báo chí nóng ran với “khởi tố, bắt giam”, sau giờ ăn tối, thuyền viên tàu dịch vụ dầu khí đang bảo vệ giàn khoan Bạch Hổ ngồi quây quần bên chiếc tivi (bắt sóng vệ tinh nhờ các thiết bị tự sáng chế) theo dõi bản tin thời sự. Phút nghỉ ngơi sau ca trực, thuyền viên ngồi chia sẻ, bàn luận với nhau thông tin đọc được trên mạng. Bên ngoài, các vị trí canh gác, thuyền viên túc trực 24/24 đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giàn khoan. “Trên các tàu dịch vụ đã có internet nên thuyền viên đọc báo, tiếp cận nhiều nguồn tin để hiểu về tình hình. Hơn nữa, sĩ quan, thuyền trưởng sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của thuyền viên để họ yên tâm làm việc”, thuyền trưởng Thân Mạnh Hà, người có kinh nghiệm làm việc 15 năm trên các tàu dịch vụ dầu khí nói.
Cũng trong những ngày ấy, tại Nhà máy chế biến khí Dinh Cố (thuộc Tổng Cty khí Việt Nam), các kỹ sư vẫn miệt mài làm việc. Quản đốc nhà máy Phan Tấn Hậu tâm sự: “Cả nhà máy sản xuất với giá trị sản phẩm 1 triệu USD/ngày. Mọi hoạt động của máy móc đều được điều khiển tự động từ phòng điều khiển trung tâm”. Khi được hỏi về tâm tư trong những ngày khó khăn, một kỹ sư vận hành tại Nhà máy chế biến khí Dinh Cố chia sẻ: “Sau mỗi thông tin khởi tố vụ án đăng trên báo chí, bạn bè người thân ở xa lại gọi điện hỏi, ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm trạng”.
Kỹ sư, thợ trẻ vẫn sáng kiến triệu USD
Trong lúc khó khăn, kỹ sư trên các nhà máy, công trình của PVN nỗ lực nghiên cứu khoa học, tìm tòi, sáng kiến để tiết kiệm chi phí sản xuất, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó nhiều sáng kiến trị giá triệu USD, được nhận giải thưởng sáng tạo khoa học trẻ. Nhiều kỹ sư được vinh danh người thợ trẻ toàn quốc.
Giữa tháng 5/2017, trong lễ trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 8 do Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức, có tới 6 gương mặt đến từ PVN vinh dự nhận giải. Họ là 6 cá nhân trong tổng số 60 thanh niên công nhân xuất sắc đại diện cho 4,5 triệu thanh niên cả nước được vinh danh tay nghề cao với thành tích lao động xuất sắc, có các đề tài, ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo được áp dụng trong lao động sản xuất, học tập.
Chúng tôi gặp Huỳnh Phúc Phùng khi anh đang làm việc tại Nhà máy chế biến khí Dinh Cố (Cty chế biến khí Vũng Tàu - KVT). Sinh ra tại Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa Cơ khí Động lực học, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vào năm 2007. Ở vị trí kỹ sư vận hành, giám sát thiết bị cơ khí tại Nhà máy chế biến khí Dinh Cố, ngoài hoàn thành tốt công việc hàng ngày, Phùng còn tìm tòi nghiên cứu các giải pháp cải tiến kỹ thuật để hệ thống hoạt động an toàn hiệu quả. Ngoài thời gian làm việc ở nhà máy, hàng đêm, anh tranh thủ đọc tài liệu, áp dụng giải pháp mới trong công việc hàng ngày.
Sau 6 năm làm việc tại KVT, Phùng cùng đồng nghiệp đóng góp 8 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất cho công ty. Trong đó, đáng nói nhất phải kể đến đề tài “Giải pháp chống ăn mòn cục bộ hệ thống đường ống công nghệ tại các gối đỡ” giúp làm lợi 3 tỷ đồng/năm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa chống ăn mòn cho nhà máy. Ngoài giá trị kinh tế, giải pháp giúp nâng cao độ an toàn cho hệ thống công nghệ nhà máy, góp phần hạn chế rủi ro rò rỉ khí hydrocarbon gây nguy cơ cháy nổ mất an toàn - một trong những mối quan tâm hàng đầu của các công trình chế biến tàng trữ khí.
“Diện tích tiếp xúc giữa đường ống và gối đỡ lớn, hình thành khe hẹp tạo điều kiện tích tụ nước, hơi ẩm, tạp chất ăn mòn. Tôi và đồng nghiệp nghĩ ra cách kê gối đỡ bằng thanh kim loại hình tròn, tránh đọng nước để chống ăn mòn”, anh Phùng kể lại sáng kiến của mình. Sáng kiến trên của anh Phùng nằm trong chuỗi sáng kiến của KVT nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới năm 2017.
Cũng tại KVT, PV Tiền Phong gặp lại anh Trần Nhật Huy, gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2009 do Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng và từng được biết đến với biệt danh “Huy nghìn tỷ”, “cây sáng kiến ngành dầu khí”. Anh là tác giả của nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế hàng trăm tỷ đồng như: “Phần mềm tính toán dự báo ấn định khí với Talisman và PVPCM”, góp phần tối ưu hóa quá trình dự báo, ấn định, từ 2007 đến 2009, làm lợi khoảng 2,8 triệu USD; “Xây dựng phần mềm tính hydro-carbon dewpoint và phương án giảm tối thiểu Fuel gas sử dụng cho Water Bath Heater tại GDC”, tiết kiệm 100.000 – 150.000 USD mỗi năm; “Phương pháp kiểm soát rò rỉ khí trên tuyến ống và kiểm soát chênh lệch sản phẩm giao nhận thông qua tính toán Cân bằng vật chất”, thu lại về cho công ty được 1,5 triệu USD...
Đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo, với vị trí người chèo lái KVT, anh Huy truyền lửa cho kỹ sư, công nhân thông qua các phong trào khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Anh Huy cho bộ phận kỹ thuật xây dựng phần mềm để mỗi kỹ sư đưa từng sáng kiến mới lên hệ thống.
“Trước kia, kỹ sư, công nhân có sáng kiến phải trao đổi qua đốc công, quản đốc, giám đốc. Nếu vướng ở một trong các khâu đó, sáng kiến bị ngắt lại. Chúng tôi áp dụng cơ chế một cửa, mọi sáng kiến đưa lên phần mềm sáng kiến. Thư ký phụ trách phần mềm sẽ phân loại và chuyển sáng kiến về các tổ chuyên gia (cơ khí, công nghệ, an toàn, quản lý) có ý kiến và giao trưởng bộ phận nghiên cứu. Cứ 3 tháng, giám đốc sẽ họp với tổ chuyên gia để bàn về từng sáng kiến và áp dụng vào thực tế”, anh Huy nói.
Theo anh Huy, khi làm các sáng kiến, quan trọng nhất là ý tưởng của cá nhân, việc hiện thực hóa ý nó thuộc công ty. Trung bình mỗi năm, sáng kiến của KVT làm lợi khoảng 20 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2017 đã có 120 ý tưởng được đề xuất, trong đó có 40 ý tưởng triển khai trong thực tế.
“Định kỳ hàng quý, năm, chúng tôi phát phiếu để nhân viên nhận xét ban giám đốc và phiếu này không ghi tên. Ở công ty mọi người vẫn gọi đùa giám đốc cũng bị nhân viên đưa lên thớt. Phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người lao động, sát cánh cùng họ thì cả tập thể mới có thể phát triển vững mạnh trong bối cảnh khó khăn”, anh Huy chia sẻ.
9 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu PVN đạt gần 368 nghìn tỷ đồng (vượt 16% so với kế hoạch 9 tháng); nộp ngân sách nhà nước 68,8 nghìn tỷ đồng (vượt 21% so với kế hoạch 9 tháng). Theo đó, sản lượng khai thác dầu thô đạt gần 12 triệu tấn và 7,3 tỷ m3 khí.
Từ 2012 đến 2017, phong trào thi đua lao động sáng tạo của PVN đã có 2.000 đề tài, sáng kiến, giải pháp được công nhận áp dụng vào thực tiễn trong các lĩnh vực như tìm kiếm thăm dò - khai thác dầu khí; hóa - chế biến dầu khí; nhiệt và cơ khí chế tạo; công nghệ thông tin - tự động hóa - điện tử...