Prime - ‘Thịnh vượng' Việt Nam bán mình cho ông lớn Thái Lan
Mặc dù khẳng định không gặp khó khăn nhưng Prime - biểu tượng của “thịnh vượng” phải “bán mình” cho ông lớn Thái Lan.
Lụi tàn vốn
Từ cuối năm 2012, dư luận xôn xao trước thông tin Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Thông tin này do Bangkok Post, một tờ báo của Thái Lan cung cấp.
Thông tin này khiến không ít người tiếc nuối vì Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Có thời gian dài, Prime đi vào lòng người tiêu dùng Việt Nam với TVC quảng cáo vô cùng ấn tượng cùng slogan “Thịnh vượng là Prime”.
"Thịnh vượng là Prime" như một câu đồng dao đi sâu vào đời sống người dân . |
Ngay bản thân các lãnh đạo Prime cũng không thể tưởng tượng được TVC “Thịnh vượng là Prime” của công ty lại thành công rực rỡ đến như vậy. Lượng tiêu thụ và doanh số tăng vọt đến mức khó có thể dự báo trước. Từ đó, Prime đường hoàng trở thành một trong những ông lớn của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam bên cạnh Đồng Tâm hay Viglacera.
Các quỹ đầu tư lớn ồ ạt tìm kiếm một ví trị quản lý trong công ty đầy tiềm năng này. DWS Vietnam Fund và VinaCapital nhanh chân trở thành cổ đông lớn của Prime với tỷ lệ tương ứng 11,4% và 7,1% sau những thương vụ mua bán giá trị tới cả chục triệu USD.
Thừa thắng xông lên, Prime đã lên kế hoạch IPO vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, kế hoạch này mãi chỉ là kế hoạch. Người ta không nhắc gì tới Prime cho tới khi thông tin doanh nghiệp bị thâu tóm rò rỉ vào cuối năm 2012.
Thông thường, các công ty buộc phải bán cổ phần với tỷ lệ lớn khi gặp nhiều khó khăn. Nhưng một vị lãnh đạo của Prime cực lực phản đối nhận định này. Ông khẳng định, việc bán cổ phần là hoàn toàn được giá và không phải do công ty đang gặp khó khăn.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cũng “bênh” Prime khi phân tích: “Nếu Prime gặp khó khăn, thì tôi tin là SCG sẽ không quyết định mua lại doanh nghiệp này. Hơn thế, Prime vẫn đang chiếm thị phần tiêu thụ gạch lớn nhất ở thị trường miền Bắc”.
Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như những gì hai lãnh đạo này khẳng định. Mặc dù vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận nhưng thị phần của Prime lại giảm từ 30% năm 2008 xuống còn 20%. Giá trị khoản đầu tư vào Prime Group của DWS Vietnam Fund và VinaCapital liên tục rớt, rớt tới mức thê thảm.
Thị phần của Prime giảm mạnh xuống 20%. |
Bộ phận định giá tài sản độc lập của Deutsche Bank (ngân hàng mẹ của công ty quản lý quỹ DVF) đánh tụt giá trị của khoản đầu tư vào Prime Group xuống 15 triệu USD vào giữa năm 2009, rồi 13,9 triệu USD vào cuối năm 2009. Như vậy, Prime Group mất 30% giá trị.
Sang đến năm 2010, tình hình được cải thiện, giá cổ phiếu Prime đạt tới mức 4 “chấm” khiến không ít người ngả mũ thán phục. Khoản đầu tư vào Prime Group của DWS đã có lúc được định giá tới trên 25 triệu USD nhưng đến năm 2011, khi bất động sản lao dốc, Prime Group lại lại rớt giá theo
Đến cuối năm 2011, “do kết quả tài chính dưới mức kỳ vọng”, Prime lại rớt tiếp trên 40% nữa và 19,7 triệu USD ban đầu của DWS nay chỉ đáng giá vỏn vẹn 5,9 triệu USD, lỗ 70%.
Có thể thấy, Prime không thê thảm tới mức âm cả vào vốn chủ sở hữu như nhiều công ty vật liệu xây dựng khác nhưng rõ ràng Prime cũng không thể tránh khỏi được cơn bão khủng hoảng kinh tế. Và vốn là một trong những yếu tố mà Prime đang rất cần.
Cổ đông thoái vốn, doanh nghiệp bán gần hết
Năm 2012, SCG sớm đánh tiếng sẽ bỏ ra rất nhiều tiền để mua một nhà máy vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên ông lớn này của Thái Lan không tiết lộ danh tính “con mồi”.
Sau một thời gian dài đàm phán, Prime chính thức lộ diện với bản hợp đồng khủng lên tới gần 5.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong thương vụ này, bản thân doanh nghiệp và các cổ đông lớn đều vội vàng bán phần sở hữu của mình. Trong khi VinaCapital bán “tất tay” thì DWS Vietnam Fund chỉ bán 10% cổ phần, bản thân Prime cũng đã bán vốn của mình cho SCG. Tổng số vốn được chuyển nhượng cho ông lớn Thái lên tới 85%, trong đó đã bao gồm cả 10% cổ phần của Quỹ DWS Vietnam Fund và 7,1% cổ phần của VinaCapital. Như vậy, “cha đẻ” của Prime chỉ còn nắm giữ 15% cổ phần tại Prime.
Có thể thấy, với việc nắm giữ 85% cổ phần, SCG mới chính là ông chủ của Prime. Nói theo cách khác, Prime đã bị thâu tóm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng giám đốc Prime Group cho rằng thương vụ này là một mối quan hệ “hợp tác chiến lược”.
Cho tới thời điểm này, các bên đều cùng thừa nhận rằng, đây là thương vụ thành công. Ông Nguyễn Văn Nghĩa (một trong 3 cổ đông sáng lập của Prime trước đây) cho rằng, đây là một cơ hội kinh doanh tốt và đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.
Ông Nghĩa lạc quan khẳng định, mọi thứ sẽ được duy trì như trước đây, cả về chiến lược hoạt động, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, thương hiệu... đồng thời nhấn mạnh đến việc tiếp tục duy trì thương hiệu Prime như là một “thương hiệu Việt Nam”.
Ông Andy Ho cũng khẳng định kết cục đẹp của thương vụ này chính là tất cả các bên đều chớp đúng thời cơ.
Chưa biết sau thương vụ này, thương hiệu Prime sẽ được hưởng lợi những gì nhưng rõ ràng các cổ đông lớn đều có thể hài lòng với khoản lợi nhuận khủng lồ mà họ kiếm được sau vài năm đầu tư vào Prime.
Bỏ ra 15 triệu để sở hữu 7,1% cổ phần Prime từ tháng 3/2010, nay VinaCapital nhượng lại cho đối tác Thái Lan với giá 32,6 triệu USD. Như vậy, sau 3 năm, khoản đầu tư của Quỹ có tỷ suất hoàn vốn nội bộ lên tới 33%.
Trong khi đó, nếu tính từ khi bắt đầu rót vốn, DWS Vietnam thu lời 60%, một hệ số sinh lời trong mơ trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của giai đoạn 2010-2011.
Các bên kỳ vọng SCG sẽ thổi một làn gió mới cho Prime vì SCG có công nghệ nguồn và tiềm năng về vốn. Điều đó sẽ giúp Prime mở rộng mạnh mẽ hơn nữa trên thị trường nội địa.
Kỳ vọng này hoàn toàn có thể trở thành sự thật nhưng có một điều dễ dàng nhận thấy với tỷ lệ nắm giữ lên tới 85%, SCG đủ sức biến Prime trở thành một thương hiệu Thái thay vì niềm tự hào Việt Nam.
Dự án Trung tâm thương mại của Prime. |
Ông chủ mới của Prime là ai?
Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan là ông chủ mới của Prime. SCG là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối.
SCG từng đã có kinh nghiệm thâu tóm nhiều công ty lớn tại Đông Nam Á. Giữa năm 2011, SCG mua lại nhà máy gạch gốm của Indonesia. Đầu năm ngoái, Tập đoàn này tăng cổ phần trong Mariwasa, một thương hiệu lớn của Philippines. Prime mới ghi tên vào danh sách các công ty bị SCG thâu tóm.
Theo SCG, việc mua lại một trong những tập đoàn sản xuất gạch lớn nhất của Việt Nam là chiến lược tăng cường sức mạnh cạnh tranh của SCG ở khu vực Đông Nam Á.
Trước khi mua lại Prime, SCG đã hoạt động khá lâu tại Việt Nam. SCG đã mở rộng đầu tư và coi Việt Nam là thị trường chiến lược từ năm 1992. Tại Việt Nam, SCG gặt hái được khá nhiều thành công. Trong quý 4/2012, doanh thu của Tập đoàn này đạt 83 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu bao bì giấy tăng đáng kể.
Theo Bảo Linh
VTC News