Phục tráng, xuất khẩu chuối tiến vua La Ba

Anh Công trong vườn chuối.
Anh Công trong vườn chuối.
TP - Nông dân Nguyễn Văn Công (xã Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng) đã đi đầu phục tráng, sản xuất chuối La Ba quý hiếm theo mô hình công nghệ cao với qui mô trang trại nhằm nâng cao chất lượng chuối để xuất sang thị trường khó tính như Nhật Bản.

Phục tráng giống chuối tiến vua

Những năm 30 của thế kỷ 20, người Pháp du nhập một giống chuối mới vào vùng đất Phú Sơn, nay thuộc huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Loài cây này nhanh chóng thích nghi với vùng đất mới, cho quả thon, dài, hơi cong; vỏ mỏng, màu vàng tươi; thịt quả dẻo, ngọt và có hương thơm đặc trưng. Người dân địa phương lấy tên La Ba - một địa danh thuộc vùng Phú Sơn - đặt cho loài chuối này. Giống chuối La Ba còn được trồng ở TP Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Di Linh, những nơi có chất đất, khí trời, độ cao tương tự Phú Sơn. Chuối La Ba thích nghi tốt, trở thành loại quả đặc sản ở miền đất nam Tây Nguyên, từng được đưa ra Huế cung tiến vua và mang lên Đà Lạt bán cho quan chức người Pháp.

“Vòng đời của bụi chuối có thể là mãi mãi nhưng chỉ nên thu hoạch tối đa 2 lứa, sau đó nhổ bỏ để trồng mới vì đến lứa thứ 3, nhiều cây bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất, chất lượng suy giảm”. 

Anh Công chia sẻ

Đến đầu thế kỷ này, do quy trình canh tác truyền thống đã trở nên lạc hậu, giống chuối La Ba bị già cỗi thoái hóa, nấm bệnh lại hoành hành nên năng suất, chất lượng giảm sút, nhiều vườn chuối bị héo úa, cây khô dần rồi chết hàng loạt. Không ít nhà vườn chặt bỏ chuối để trồng cây khác nên diện tích chuối từ trên 100 ha giảm xuống chỉ còn 2 - 3ha. Nhiều nơi không còn vườn chuối mà chỉ có một vài khóm xen với các loại cây trồng khác.

Trước nguy cơ mai một giống chuối quý hiếm, từ năm 2007, Phòng NN&PTNT huyện Đức Trọng cùng một số viện nghiên cứu và trường đại học đã tiến hành bảo tồn, phục tráng và phát triển nguồn gene. Điều tra thực địa để tìm kiếm, xác định loại chuối La Ba thuần chủng có năng suất cao rồi thu thập, giám định bệnh hại để tuyển chọn cây chuối có hình thái và chất lượng tốt làm cây đầu dòng. Sau đó tiến hành nhân giống bằng phương pháp cấy mô với quy trình công nghệ tiên tiến để cho ra thế hệ cây con có độ đồng đều cao và ổn định về mặt di truyền phù hợp trồng quy mô lớn.

Trả giá đắt với cây giống dỏm

“Khi hay thông tin này tôi liền đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm rồi chuyển hơn 1ha đất rau màu sang trồng thử nghiệm cây chuối La Ba. Đến Viện Sinh học Tây Nguyên ở thành phố Đà Lạt để mua giống thì được biết phải đợi một năm mới có cây giống cấy mô. Tìm đến viện nghiên cứu khác tại TPHCM, tôi được cung cấp ngay hàng ngàn cây giống nhưng sau nhiều tháng kỳ công chăm sóc, đến khi cây trổ hoa, đậu quả thì gần như cả khu vườn bị sâu bệnh, chuối chết hàng loạt”, anh Công kể.

Xem xét lại toàn bộ quy trình sản xuất, nhận ra nguyên nhân là do cây giống kém chất lượng. Anh Công quyết định thí nghiệm tiếp vụ nữa và lần này đích thân tìm kiếm các vườn chuối La Ba thuần chủng để sưu tập những mầm cây khỏe mạnh, mang lên Viện Sinh học Tây Nguyên đặt hàng nhân nuôi cấy mô một cách bài bản. Anh kiên trì chờ đợi gần một năm để có đủ mười mấy ngàn cây giống trồng trong trang trại rộng 4ha.

Cây khỏe, sạch bệnh nên phát triển nhanh, cho thu hoạch sớm gần cả tháng, năng suất đạt 60-70 tấn/ha, cao gấp rưỡi giống chuối truyền thống. Trang trại chuối của anh nổi tiếng khắp vùng nên Cty Thiên Ân đã tìm đến đặt hàng xuất sang Malaysia, sau đó Cty TNHH La Ba - Đà Lạt bao tiêu hầu hết sản phẩm để xuất sang Nhật Bản. Trong khi đó, vườn chuối của các hộ nông dân sản xuất theo lối truyền thống, tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ khoảng từ 10 - 20%.

Cho chúng tôi xem những nải chuối sáng bóng, không một vết thâm, anh Công cho biết khi cây đậu quả, phải phủ bao nylon quanh buồng để tránh sâu bệnh và sương muối.

Cty TNHH La Ba còn thuê một doanh nghiệp của Đài Loan đến tận vườn thu hoạch, đóng chuối xuất đi Nhật Bản. Người ta mang cái thùng đã lót mút êm ái đến tận gốc chuối; nhẹ nhàng hạ buồng chuối xuống thùng, đưa đến hồ nước để rửa, hút chân không rồi đóng gói để tránh bị trầy xước trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và bóc dỡ hàng. Từ khi tượng quả đến khi chuối già với độ căng hết cỡ khoảng 3 tháng nhưng khách hàng Nhật Bản chỉ chọn chuối 8 tuổi (2 tháng 20 ngày) quả còn hơi non, góc cạnh chứ chưa căng tròn. Họ nói chuối già dễ bị hư, kém thẩm mỹ trên đường vận chuyển.   

Anh Công cùng hai người khác đã góp vốn mở trang trại Điền - Công - Tâm tại thôn 8, Gia Hiệp, Di Linh. Đây là trang trại chuối La Ba lớn bậc nhất Tây Nguyên với diện tích 30 ha, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đã có đối tác đề nghị xuất khẩu chuối sang Nhật Bản nhưng hiện trang trại chỉ đủ sản lượng chuối thực hiện hợp đồng cung ứng cho các siêu thị trong nước.

MỚI - NÓNG