Đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện: Bắt đầu từ đâu?

Đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện: Bắt đầu từ đâu?
TP - Đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện” do Bộ GD&ĐT và Ban Tuyên giáo T.Ư xây dựng để trình hội nghị BCH T.Ư 6 khóa XI.

> Cần chuẩn bị kỹ để ra nghị quyết về giáo dục

Tờ trình đã đưa ra hình hài 5 phần đề xuất : thực trạng GD&ĐT, phương hướng chủ yếu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, những điểm mới của đề án, tổ chức thực hiện và những vấn đề xin ý kiến T.Ư.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là số năm học phổ thông là 10, 11 hay 12 năm.

Chương trình căn bản 10, 11 hay 12 năm?. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chương trình căn bản 10, 11 hay 12 năm?. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo TS Trần Kiều, Viện Khoa học GD thì vấn đề 10 năm , 11 hay 12 năm được tranh cãi nhiều và ý kiến nào cũng có phản biện hợp lý cho lý lẽ của mình.

Những ý kiến đề nghị số năm học của phổ thông là 11 năm cho rằng: hiện nay học sinh phổ thông trưởng thành sớm hơn nên hoàn toàn có thể rút bớt đi 1 năm học, để tiết kiệm được kinh phí đào tạo của Nhà nước và của gia đình và để người học cũng có thể bước vào cuộc sống lao động sớm hơn một năm.

Một số lý lẽ khi xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 11 năm là: nước ta nghèo, không nên học lâu quá; trước đây học phổ thông chỉ có 9 năm, 10 năm nhưng những người được đào tạo theo chương trình này vẫn thích hợp với mọi hoàn cảnh. Cũng có ý kiến cho rằng nên giảm bớt 20% chương trình hiện hành vốn đang nặng nề và quá tải…

Nhiều người cho rằng học sinh phải học phổ thông 12 năm là dài Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều người cho rằng học sinh phải học phổ thông 12 năm là dài.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên 12 năm với các lý do sau: hiện nay trên thế giới, những nước phát triển và những nước đang phát triển đều học 12 năm trở lên.Về mặt khoa học, đến lứa tuổi 18, nhân cách con người mới thực sự trưởng thành mặc dù có thể trong xã hội hiện đại, con người trưởng thành sớm về mặt tâm lý và sinh lý.

Một câu hỏi khá quan trọng được nhiều người đặt ra là: ở tuổi 16 hay 17, tốt nghiệp THPT ra các em sẽ làm gì trong khi chưa thể tham gia quân ngũ hay các cơ quan xí nghiệp chưa nhận lao động ở tuổi này? Có ý kiến còn lo ngại: nếu tốt nghiệp sớm, không có công ăn việc làm, không đi học tiếp, rất có thể thêm nhiều tiêu cực khi nhân cách con người chưa hoàn thiện.

Ông Trần Kiều nhận xét: hệ thống giáo dục các nước đang áp dụng mô hình 6-4-2 (6 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở và 2 năm phổ thông trung học).

Theo đó, sau 10 năm, học vấn phổ thông cơ bản được giải quyết và 2 năm sau đó là phân luồng với nhiều loại hình trường đặc biệt hướng tới giáo dục nghề nghiệp. Những học sinh có khả năng đi học đại học thực sự sẽ học 2 năm để chuẩn bị.

Hiện nay Việt Nam đang thực hiện mô hình 5-4-3 và có ý kiến đề nghị giáo dục phổ thông của ta nên tách hẳn 2 giai đoạn: cơ bản (bắt buộc) và sau đó là giáo dục không bắt buộc. Phần giáo dục bắt buộc thì nhà nước phải bao cấp trong khi ta, vì khó khăn nên giáo dục bắt buôc cũng còn đóng góp nhiều.

Về mặt lý thuyết, sau 10 năm, nếu phân luồng tốt, học sinh sẽ đi các trường nghề khác nhau: trường nghề hoặc THPT có nghề. Hiện nay, chúng ta vẫn không giải quyết được bài toán phân luồng nên tất cả đều kéo ào ào vào trường THPT. Phân luồng chính là giải pháp hữu hiệu nhất nhưng mấy chục năm rồi ta đã không giải quyết nổi, ông Trần Kiều khẳng định.

Một vấn đề nữa, ta nên đa dạng hóa mô hình trường học chứ không chỉ trường THPT như bây giờ -phải có trường THPT học nghề, trường dạy nghề đàng hoàng và thực sự.

Việt Nam không thành công trong phân luồng là do tâm lý khát bằng cấp -học càng cao khả năng tìm việc được càng nhiều vì vậy người ta coi nhẹ chuyện học nghề. Nếu cứ để gần 80% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đổ vào học trường THPT thì còn chưa giải quyết được vẫn đề.

Đây là bài toán lớn của cả môt nền kinh tế của cả xã hội, thuộc chính sách giải pháp của nhà nước, văn hóa, tâm lý xã hội, riêng ngành giáo dục không giải quyết được. Và nếu như vậy 11 hay 12 năm cũng không thực sự giải quyết được vấn đề.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG