Tận dụng cơ hội “vàng” dịp Noel
Trào lưu khởi nghiệp, kinh doanh dịp Noel đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là các bạn sinh viên. Lê Vũ Ngân Lam và Trần Đỗ Anh Khoa, đều 21 tuổi, là sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. HCM chia sẻ, Noel là dịp lễ lớn, nhu cầu mua sắm và giải trí của mọi người tăng cao đặc biệt là những món quà xinh xắn, ý nghĩa. Vì vậy, Lam và Khoa đã quyết định khởi nghiệp bán nến thơm hình cây thông tự làm, từ tháng 10 đến nay. Thay vì chọn nhập những sản phẩm nến thơm giá rẻ nhập khẩu về bán, Lam lại lựa chọn con đường tự làm nến thủ công (handmade) để vừa kiểm soát được chất lượng, vừa giữ mức giá tốt nhất để sinh viên, học sinh cũng có thể trải nghiệm.
Đôi bạn trẻ khởi nghiệp nến thơm hình cây thông, ngày bán 300 đơn. |
Hiện sản phẩm của Lam được bán trên hầu các kênh thương mại điện tử như Facebook, TikTok, Shopee... “Thời điểm cận kề lễ Giáng sinh, khách hàng đặt nến ngày càng nhiều, các sản phẩm nến thơm có giá từ 20.000 – 80.000 đồng/set, mỗi ngày từ 30 - 40 đơn. Đợt sale đỉnh điểm, em bán được 300 đơn một ngày, thu về hơn chục triệu đồng. Việc bán nến thơm giúp em có thêm nguồn thu nhập đáng kể, trang trải học phí, sinh hoạt”, Ngân Lam chia sẻ.
Khác với các lĩnh vực kinh doanh dài hạn, những dự án khởi nghiệp mùa Noel thường không yêu cầu vốn lớn. Với vài triệu đồng tích lũy, sinh viên có thể bắt đầu từ những ý tưởng đơn giản. Các sản phẩm như cây thông mini, vòng nguyệt quế, nến thơm và tất Giáng sinh luôn là những món đồ không thể thiếu trong mùa lễ hội.
Nông Thị Thúy, 21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Giáo dục Mâm non, trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, lựa chọn bán những mặt hàng quen thuộc dịp Noel như cây thông mini, móc khóa, những sản phẩm liên quan đến kẽm nhung như hoa, chậu cây... Mặc dù đây là những mặt hàng quen thuộc mà dịp lễ Giáng sinh nào cũng có, nhưng vẫn thu hút rất nhiều khách hàng lựa chọn. Thúy chia sẻ: “Em bán những mặt hàng quen thuộc. Tận dụng mạng xã hội, em trang trí bắt mắt hơn để thu hút người mua rồi chụp ảnh, quay video đăng lên Facebook. Giá các sản phẩm từ 10.000 – 50.000 đồng, cây thông giá cao hơn từ 50 - 100 nghìn đồng. Nhờ kinh doanh dịp lễ em có được nguồn thu nhập ổn định và tự chi trả các khoản tiền mà trước đây phải nhờ bố mẹ”.
Tranh thủ dịp lễ, Thúy khởi nghiệp bán hoa kẽm nhung. |
Phụ kiện Giáng sinh được làm hoàn toàn bằng kẽm nhung. |
Cơ hội lớn đi kèm thách thức
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, mang đến cơ hội vàng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Nhiều bạn sinh viên tận dụng các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram hoặc Facebook... để quảng bá sản phẩm và bán hàng online một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp ở sinh viên không hề dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì và tính học hỏi cao.
Trần Đỗ Anh Khoa chia sẻ: “Lợi thế của sinh viên là trẻ, tư duy sáng tạo và cả quỹ thời gian linh hoạt, nhưng khó khăn lại nhiều hơn thế. Ban đầu khởi nghiệp, chúng em gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hiểu biết về quy trình tạo ra sản phẩm, lựa chọn nguyên liệu, kỹ năng bán hàng chưa có. Giai đoạn đầu, khi pha sáp, bề mặt sáp bị rỗ, không đẹp, không ngấm hương, màu sắc sáp thì không trắng nên mix màu lên không chuẩn, tốn rất nhiều kinh phí. Phải mất rất nhiều thời gian tìm tòi và học hỏi chúng em mới thành công tạo ra những sản phẩm như hiện tại”.
Khoa và Lam đều học ngành Công nghệ thông tin, nhưng để bán được hàng trên các kênh thương mại điện tử, các bạn cũng phải đầu tư thời gian học hỏi thêm. “Chúng em chia nhau ra học, Khoa sẽ học thêm trên mạng cách làm social, quay dựng video, sáng tạo ý tưởng. Còn em sẽ lo về việc tìm hiểu cách thức hoạt động, up sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, các chính sách, chi phí và đo lường giá cả sao cho phù hợp”, Ngân Lam chia sẻ.
Nến thơm và cây thông đính đá, món quà dịp lễ thu hút giới trẻ. |
Ngoài ra, với sự khéo léo, nhiều sinh viên đã mở các quầy gói quà, bán đồ ăn, nước uống ở các địa điểm đông người. Hợp tác với nhóm bạn, Hoàng Xuân Quý, 20 tuổi, sinh viên năm 2 trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội đã lựa chọn khởi nghiệp với quầy cà phê xe đẩy, mô hình kinh doanh phổ biến và kèm theo dịch vụ ông già Noel. Quý nói: “Em chỉ bán vào các dịp lễ, bởi đây là cơ hội tốt nhất để bán hàng. Do còn có nhiều lịch học ở trường, dịp lễ Giáng sinh cũng là thời điểm ôn thi, kết thúc các môn học ở trường, nên việc bán hàng cũng không được đều, khó cạnh tranh với các anh chị bán hàng cố định hằng ngày”. Đối với Quý, khởi nghiệp luôn đi kèm với những khó khăn, là cơ hội tốt để các bạn trẻ trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm. Môi trường học tập tại các trường đại học hiện nay cũng rất thuận lợi cho sinh viên khởi nghiệp, nhưng trải nghiệm thực tế sẽ nhận được những bài học đắt giá hơn.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong về trào lưu sinh viên khởi nghiệp dịp Giáng sinh, tiến sĩ Trần Thị Phương Mai - Giảng viên chính Viện Thương Mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Các bạn sinh viên thường mang tư tưởng rất “màu hồng”. Các em cực kỳ nhiệt huyết lúc ban đầu, nhưng bị thiếu sự quyết tâm, kiên trì. Khởi nghiệp khi còn là sinh viên, nếu không thành công cũng là cách học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm mà không phải bạn trẻ nào cũng có được. Tuy nhiên, các em đừng để việc khởi nghiệp ảnh hưởng đến thời gian học trên lớp đặc biệt là thời điểm kết thúc môn học”. Theo cô Mai, các bạn sinh viên không thuộc ngành kinh tế thường có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiệt huyết, nhưng thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng đặc biệt là kinh nghiệm kinh doanh, điều này dẫn đến việc các bạn sinh viên bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong kinh doanh.
“Các bạn sinh viên cần xác định rằng, khởi nghiệp mất rất nhiều thời gian, bao gồm thời gian lập kế hoach, nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm khách hàng… từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Các bạn sinh viên đừng ngần ngại, hãy tự tin khởi nghiệp”, tiến sĩ Trần Thị Phương Mai chia sẻ.