Chiều 31/10, T.Ư Đoàn tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn trong khu vực trường học”.
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN và chị Hồ Hồng Nguyên - Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN chủ trì tọa đàm.
Hơn 3 triệu đoàn viên sinh hoạt trong khối trường học
Phát biểu khai mạc tọa đàm, anh Nguyễn Minh Triết nhận định, tổ chức cơ sở Đoàn là nền tảng của hệ thống tổ chức của Đoàn. Nền tảng cơ sở vững mạnh mới đảm bảo cho hệ thống tổ chức bền vững và lớn mạnh.
“Sinh hoạt chi đoàn là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu, là nội dung có tính nguyên tắc, khởi nguồn của mọi hoạt động của Đoàn ở cơ sở, thể hiện sức sống, tính chính trị, tính tiên tiến và tính quần chúng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, anh Triết nói.
Vì vậy, Toạ đàm là một trong những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp bộ Đoàn khu vực trường học về tầm quan trọng của việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn trong trường học.
Đây cũng dịp để đánh giá tổng quan về thực trạng sinh hoạt chi đoàn trong khối trường học; kịp thời rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi đoàn khối trường học trong bối cảnh tình hình mới.
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN phát biểu tại chương trình. Ảnh: Châu Linh |
Khu vực trường học có hơn 3 triệu đoàn viên, chiếm tỉ lệ 59,87% trên tổng số đoàn viên cả nước, số lượng chi đoàn là 151.602 đơn vị, chiếm 56,87% trên tổng số chi đoàn cả nước.
Theo Ban Tổ chức, hiện khu vực trường học có hơn 3 triệu đoàn viên, chiếm tỉ lệ gần 60% tổng số đoàn viên cả nước, số lượng chi đoàn là hơn 151.600 đơn vị, chiếm gần 57% tổng số chi đoàn cả nước.
Trong đó, chi đoàn trường THPT chiếm tỉ lệ cao nhất, với 56% tổng số đoàn viên, nhưng sinh hoạt chi đoàn ở đây vẫn còn mang tính hình thức và chưa đồng đều về chất lượng.
Đối với sinh viên tại các trường đại học, học viện, dù hình thức sinh hoạt khá phong phú, nhưng việc duy trì tần suất gặp gỡ khó khăn do lịch học linh động và không gian sinh hoạt hạn chế.
Trong khi đó, khối đoàn viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm 5% tổng số đoàn viên, gặp khó khăn do nhiều người vừa học vừa làm, khiến thời gian tham gia sinh hoạt chi đoàn trở nên hạn chế.
Tọa đàm "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn trong khu vực trường học" được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Ảnh: Châu Linh |
Cách nào để buổi sinh hoạt chi đoàn hấp dẫn?
Nhìn nhận thực tế sinh hoạt chi đoàn trong khu vực trường học hiện nay, TS. Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư cho rằng, một số chi đoàn còn nhầm lẫn giữa họp và sinh hoạt chi đoàn.
Thực tế, không ít cán bộ Đoàn vẫn còn hiểu sai về khái niệm sinh hoạt chi đoàn, tổ chức sinh hoạt chi đoàn. Có những Bí thư chi đoàn coi sinh hoạt chi đoàn là buổi quán triệt kế hoạch công tác. Vì thế, việc tổ chức sinh hoạt mang nặng tính hình thức, ít đổi mới, thiếu tính lan tỏa, chưa hấp dẫn và chưa lôi cuốn, thu hút được đoàn viên tham gia.
TS. Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Châu Linh |
Vì vậy, TS. Nguyễn Văn Hùng gợi ý một số giải pháp để mỗi chi đoàn là cầu nối của đoàn viên với tổ chức Đoàn và ngược lại.
Trước tiên, cần xác định tầm quan trọng của người cán bộ Đoàn, phải có phẩm chất tốt và năng lực trong học tập; có kỹ năng trong hoạt động Đoàn như nói được, viết được và biết tổ chức hoạt động, biết diễn thuyết và khả năng gây chú ý, thu phục người nghe.
"Trong đó đặc biệt chú trọng duy trì sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề với những chủ đề như tình yêu, hôn nhân, chuyển đổi số… gắn liền với đời sống của học sinh, sinh viên”, TS. Hùng nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các buổi sinh hoạt chi đoàn hiện nay thường chủ yếu tập trung đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của chi đoàn trong thời gian tới.
Việc lặp đi lặp lại nội dung sinh hoạt như vậy dễ gây sự nhàm chán trong đoàn viên, khiến cho chất lượng sinh hoạt chi đoàn giảm sút, ít đổi mới.
Vì vậy, PGS. TS Nguyễn Quốc Bảo khuyến nghị, đẩy mạnh xây dựng nội dung định hướng sinh hoạt chi đoàn trong chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học cho từng tháng, chủ đề gắn với các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, của tổ chức Đoàn.
Điều đó không chỉ tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đoàn viên, nâng cao nhận thức của đoàn viên mà còn góp phần tạo ra những buổi sinh hoạt chi đoàn mới mẻ và hấp dẫn.
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Châu Linh |
“Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, để kịp thời khắc phục những “lỗ hổng” về lý tưởng sống cho đoàn viên, thanh niên, khơi dậy khát vọng cống hiến tuổi trẻ, cần gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi đoàn viên, thanh niên với việc thực hiện nhiệm vụ học tập, với các phong trào thi đua của trường, của lớp”, PGS. TS Bảo nói.
Các đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Tại tọa đàm, bạn Mai Anh đến từ Đoàn Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều đoàn viên cảm thấy sinh hoạt chi đoàn nhàm chán là do hình thức tổ chức còn thiếu sáng tạo.
“Để khắc phục điều này, theo em, chi đoàn cần áp dụng nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau như thảo luận nhóm, trò chơi tập thể, diễn kịch, tổ chức các cuộc thi nhỏ hoặc mời chuyên gia, cựu học sinh về nói chuyện”, Mai Anh nói.
Mai Anh cũng nêu một số ý tưởng giúp các buổi sinh hoạt chi đoàn trở nên hấp dẫn, như áp dụng phương pháp sinh hoạt tương tác, tích hợp hoạt động trải nghiệm vào sinh hoạt chi đoàn như tổ chức các chuyến đi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương ngay trong địa bàn phường, quận mà trường học tọa lạc…
Còn chị Phan Thị Trinh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ một số mô hình sinh hoạt chi đoàn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, trong đó nổi bật là sự phối hợp với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp.
“Việc liên kết với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp sẽ giúp mở rộng nội dung hoạt động sinh hoạt của Đoàn. Những chương trình giao lưu, hợp tác sẽ mang lại nhiều cơ hội học hỏi, trải nghiệm hơn cho đoàn viên”, chị Trinh nói.
Phát biểu kết luận tọa đàm, anh Nguyễn Minh Triết ghi nhận, thời gian qua, đã có nhiều mô hình, cách làm hay của các chi đoàn trong khu vực trường học.
Với nhiều ý kiến, tham luận hết sức tâm huyết, chất lượng tại tọa đàm đã góp phần bổ sung cơ sở lý luận, làm rõ những vấn đề thực tiễn, đề xuất những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn trong khu vực trường học.
"Trong thời gian tới, các chi đoàn cần phát huy sự sáng tạo, thiết kế các buổi sinh hoạt đậm bản sắc. Đặc biệt, sinh hoạt chi đoàn vừa cần thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đảm bảo các nội dung sinh hoạt như đã đề ra", anh Triết nói.
Nhân tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT; Bộ LĐ-TB&XH, anh Triết mong muốn, các đơn vị sẽ tăng cường công tác phối hợp, tạo cơ chế thuận lợi cho việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn nói riêng và hoạt động Đoàn trong khu vực trường học nói chung.