Hỗ trợ tâm lý cho sinh viên ngừng học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tình trạng sinh viên nhận quyết định ngừng học giữa chừng không chỉ để lại gánh nặng về tài chính cho mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của trường đại học. Vì thế, các trường thành lập phòng tâm lý, trạm “sạc” tâm hồn.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, số lượng sinh viên bị thôi học của ĐH này đang có xu hướng giảm. Bước vào năm học mới 2024 - 2025, gần 700 em bị ngừng học, trong đó khoảng 120 sinh viên bị quá hạn thời gian, đang đi làm. Những năm trước, ĐH Bách khoa Hà Nội được coi là “dũng sĩ diệt sinh viên” khi mỗi năm con số sinh viên bị dừng học lên đến hàng nghìn. Theo ông Điền, sinh viên bị buộc thôi học nhiều khiến nhà trường trăn trở, vì không chỉ lãng phí nguồn lực xã hội mà còn lãng phí tuổi trẻ của các em. Từ năm 2020, Phòng tư vấn tâm lí ĐH Bách khoa Hà Nội ra đời có nhiệm vụ hỗ trợ tâm lí và gỡ rối học tập cho sinh viên.

Hỗ trợ tâm lý cho sinh viên ngừng học ảnh 1

Tân sinh viên được ưu tiên tư vấn, gỡ rối học tập tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nghiêm Huê

Đa số vấn đề khúc mắc bắt nguồn từ kĩ năng học tập, kết quả học tập của sinh viên. Thầy cô trong tổ tư vấn đã tìm đến những sinh viên có vấn đề về học tập trong danh sách sinh viên bị cảnh báo học tập từ mức 1 đến mức 3 và nhận thấy nhiều em có vấn đề về tâm lí cần được tư vấn. Tổ tư vấn xác định đối tượng ưu tiên là tư vấn giải quyết khó khăn về học tập, về tâm lí và kĩ năng cho các sinh viên bị cảnh báo mức 3, đan xen là mức 2, mức 1. Gặp trực tiếp sinh viên bị cảnh báo mức 3, thầy cô nhận thấy các em không chỉ bi quan về học tập mà còn gặp các vấn đề về tâm lí như tổn thương trong gia đình, trầm cảm… Với một số trường hợp nặng, tổ tư vấn thay phiên tư vấn nhiều lần, kết nối, dõi theo bước các em một thời gian dài. Trường hợp sinh viên thấy cô đơn, không tìm được niềm vui của cuộc sống, không có bạn bè…, tổ tư vấn mời phụ huynh đến để trao đổi, tìm phương cách kết hợp giúp đỡ sinh viên hồi phục tâm lí, sau đó cùng các sinh viên là cộng tác viên của tổ hỗ trợ các em sắp xếp lịch học, có kĩ năng học tập đúng để nâng cao điểm số, cải thiện kết quả học tập…

TS Phạm Tùng Sơn, Trưởng phòng Công tác Học viên sinh viên và Quản lí kí túc xá, Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, hằng năm, sinh viên ngừng học ở trường có nhiều nguyên nhân. Trong đó sinh viên đang theo học các ngành cử nhân quyết định dừng học để năm sau thi ngành khác khoảng 20 - 30 em/năm; vì lí do sức khỏe phải nghỉ học khoảng 7-8 em. Theo ông Sơn, học Y khoa khá vất vả nên nhà trường cũng có giải pháp để hỗ trợ tâm lí cho sinh viên với trạm “sạc” tâm hồn. Tại đây, các giảng viên được đào tạo về tư vấn tâm lí, sức khỏe tâm thần, pháp luật, giới tính sẽ hỗ trợ sinh viên các vấn đề cần gỡ rối. Mỗi năm có khoảng 30 - 40 sinh viên tìm đến thầy cô cần hỗ trợ các vấn đề này.

Học viện Ngân hàng đã thành lập đội ngũ các giảng viên làm công tác cố vấn học tập nhằm hỗ trợ, giúp sinh viên về phương pháp học tập hiệu quả, cách thức hiện thực hóa mục tiêu cá nhân. Qua đó sinh viên chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch học tập, hạn chế cảnh báo học tập và buộc thôi học, ngoài ra, với nhiều sinh viên khi xây dựng kế hoạch tốt còn rút ngắn được thời gian học (3-3,5 năm).

MỚI - NÓNG