Đề xuất của cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến cho rằng, nhà giáo là viên chức đặc biệt cần có chế độ ưu đãi đặc thù nhưng không nên tạo ra những đặc quyền, đặc lợi dẫn đến không công bằng đối với các ngành nghề khác.
Cô Bùi Minh Khuyên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nói rằng, cô rất vui mừng, phấn khởi vì đề xuất của Bộ GD&ĐT mang tính nhân văn và động viên rất lớn. Những năm qua, nhiều giáo viên rất vất vả nhưng đồng lương chưa đáp ứng cuộc sống. Ngoài ra, chính sách, chế độ ưu đãi tốt cũng sẽ là điều kiện để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Nhiều ý kiến băn khoăn khi Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho con nhà giáoảnh: Hà Linh |
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên một trường THCS tại Hà Nội, cho rằng, không nên tạo sự không công bằng giữa nhà giáo với các ngành nghề khác. Bộ GD&ĐT nên đề xuất miễn học phí cho tất cả học sinh thì sẽ là một chính sách mang yếu tố nhân văn, tuyệt vời. “Khi đó, tất cả học sinh đến trường không phải lo đến học phí, giảm gánh nặng lớn cho phụ huynh. Giáo viên tuy có thu nhập không cao nhưng vẫn thuận lợi hơn so với một số ngành nghề lao động khác như lao động chân tay tự do, lao động là công nhân… vất vả, khó khăn hơn nhà giáo”, cô Hà nói.
Khó hiệu quả
TS Phạm Hùng Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức, Trường Đại học Thành Đô, cho biết, căn cốt của việc Bộ GD&ĐT đưa đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo vào dự thảo Luật Nhà giáo có nguyên nhân sâu xa từ việc Luật Viên chức, Luật Công chức hiện nay không đủ cơ sở để gỡ vấn đề thu nhập của nhà giáo. Khi tách nhà giáo ra khỏi Luật Công chức, những hỗ trợ cho nhà giáo đã được nới rộng, nhưng vẫn chưa đủ. Vì chưa thoát khỏi chính sách chung cho viên chức, Luật Nhà giáo được xây dựng để cố gắng gỡ những vướng mắc và khó khăn mà Luật Viên chức không giải quyết được cho nhà giáo.
Một trong những điểm được gỡ là ưu đãi, ưu tiên cho nhà giáo. Ưu đãi và ưu tiên này từ lâu đã được nói đến. Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng đời sống giáo viên có nhiều khó khăn cần hỗ trợ. Chính sách cụ thể, đủ mạnh để giải quyết vấn đề này chưa có, mặc dù có một số chính sách như phụ cấp cho giáo viên ở phổ thông 40%, giảng viên ĐH 25%. So với các ngành khác, thu nhập của nhà giáo vẫn ở mức trung bình. Những ưu tiên phải mang tính đột phá và đề xuất miễn học phí cho con em nhà giáo nằm trong ý định của những người làm Luật.
“Nếu con nhà giáo được miễn học phí, có thể có tác động tích cực tới động lực của họ nhưng điều này có thể dẫn đến một số vấn đề khác như sự công bằng xã hội. Tại sao con các phụ huynh khác phải đóng học phí mà con nhà giáo thì không? Ngoài ra, sẽ có vấn đề về sự bình đẳng trong nhà trường khi có sự phân biệt đối xử. Điều này có tác động tiêu cực trong môi trường giáo dục. Vì vậy sự quan tâm đến nhà giáo nên thực hiện bằng các chính sách khác như tiền lương, phụ cấp hỗ trợ... mà không nhất thiết phải là miễn học phí cho con giáo viên. Ở Đức không có sự ưu đãi đặc biệt với giáo viên so với các nghề khác. Hiện các bang cạnh tranh thu hút giáo viên chủ yếu cũng bằng lương và các chế độ làm việc”.
TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Postdam, Đức
“Ai cũng nhìn thấy nhà giáo phải có nhiều ưu tiên. Nghị định 116 hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm là chính sách hỗ trợ ban đầu giúp thu hút sinh viên giỏi đến với nghề giáo. Nhưng đề xuất miễn học phí cho con em nhà giáo, cá nhân tôi thấy khó hiệu quả”, ông Hiệp nói. Nhà nước đang miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và nhiều địa phương đã miễn phí THCS. Như vậy, chỉ còn ở bậc THPT và ĐH. Trong khi đó, ở THPT trường công, học phí lại không cao. Nếu tính cả THPT và ĐH thì đối tượng được hưởng cũng không nhiều. Thực tế, thời điểm khó khăn nhất của nhà giáo là khi họ mới bước chân vào nghề. Theo ông Hiệp nên lập 1 quỹ để cho vay hoặc hỗ trợ thêm cho nhà giáo trẻ mới vào nghề. “Ở độ tuổi ngoài 40, khi con em nhà giáo bắt đầu học THPT hoặc ĐH, đời sống của họ đã ổn định. Rồi khi miễn học phí lựa chọn như thế nào? Miễn ở trường công hay tư, ở trường trong nước hay quốc tế? Khi thiết kế một chính sách có quá nhiều biến số, chưa kể đối tượng hưởng thụ không quá cần thì chính sách này ý định tốt nhưng triển khai sẽ vướng và chưa chắc đã đạt hiệu quả cao”, ông Hiệp nhận định.
Sẽ tính toán thêm
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), lý giải, trong quá trình xây dựng các nội dung cho dự thảo Luật Nhà giáo, Ban soạn thảo tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, chuyên gia... Trong các nội dung, ý kiến đóng góp về chính sách ưu đãi cho đội ngũ có nội dung mong muốn miễn học phí cho con đẻ, con nuôi hợp pháp của giáo viên đang công tác. “Mục đích của chính sách này là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Xây dựng các chính sách ưu đãi giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, dư luận xã hội cũng như các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo tính phù hợp, khả thi, đảm bảo mặt bằng chung đối với các ngành nghề khác, tránh tạo ra sự bất hợp lý trong chế độ, chính sách nhà giáo so với những viên chức ngành nghề khác, dù nhà giáo là viên chức đặc biệt, công việc có tính chất đặc biệt. “Chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo và có tính toán thêm phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội chúng ta để nội dung đưa ra không trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông Đức nói.