Phong trào Hamas nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn kể từ khi các cuộc đàm phán tại Qatar tuần trước bị đình trệ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong tuần này dựa trên "đề xuất bắc cầu" của Mỹ.
Thăm Trung Đông trong chuyến công du thứ 10 kể từ khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza, Ngoại trưởng Blinken đã gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
"Đây là thời khắc mang tính quyết định, có thể là cơ hội tốt nhất và cơ hội cuối cùng để đưa các con tin về nhà, để đạt được lệnh ngừng bắn và dẫn mọi người đến con đường đạt được hòa bình, an ninh lâu dài", ông Blinken nói trước cuộc gặp Tổng thống Herzog.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken (bìa trái) gặp Tổng thống Israel Herzog ngày 19/8 ở Tel Aviv (Israel). (Ảnh: Reuters) |
Các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng xoay quanh một vấn đề: Israel tuyên bố xung đột chỉ có thể kết thúc bằng việc loại bỏ Hamas, trong khi Hamas khẳng định sẽ chỉ chấp nhận lệnh ngừng bắn vĩnh viễn chứ không phải tạm thời.
Có những quan điểm bất đồng về sự hiện diện quân sự liên tục của Israel bên trong Dải Gaza (đặc biệt là dọc biên giới với Ai Cập), về quyền tự do di chuyển của người Palestine ở vùng lãnh thổ này, về danh tính và số lượng tù nhân được trả tự do trong các cuộc trao đổi.
Hamas hôm 18/8 cáo buộc lãnh đạo Israel "phá hoại nỗ lực của những người hòa giải". Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sau khi gặp các đặc phái viên Hamas, rằng phong trào này tin các quan chức Mỹ đang "vẽ nên một bức tranh quá lạc quan" về các cuộc đàm phán.
Đáp lại, Thủ tướng Netanyahu cho biết: "Chúng tôi đang đàm phán, chứ không phải vẽ nên một kịch bản mà chúng tôi chỉ cho đi và cho đi".
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát ngày 7/10/2023 khi các tay súng Hamas xâm nhập biên giới Israel, sát hại khoảng 1.200 người và bắt cóc khoảng 250 con tin.
Israel sau đó tiến hành một chiến dịch quân sự ở Hamas, khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu dân phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất 40.000 người thiệt mạng.
Cuộc xung đột đã đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào tình trạng căng thẳng.