Cà Mau có diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000 ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Các mô hình nuôi phổ biến như: Nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh kết hợp.
Thời gian qua, ngành tôm Cà Mau nhiều năm liền dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, sản lượng tôm toàn tỉnh đạt 231.500 tấn, năng suất tôm bình quân đạt 830 kg/ha/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD.
Ban cố vấn giải đáp các câu hỏi của người nuôi tôm trong tỉnh đặt ra |
Tuy vậy, việc nuôi tôm ở Cà Mau vẫn gặp thách thức hạ tầng nuôi chưa đáp ứng yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả phục vụ cho sản xuất không ổn định; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm; dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao…
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi của người nuôi tôm, như: Kỹ thuật nuôi, sử dụng men vi sinh, xử lý môi trường, cải tạo mương, ao nuôi, và làm thế nào để nuôi tôm - rừng giảm phát thải...
Diễn đàn là nơi kết nối nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chức năng,... |
Chia sẻ về kết quả bước đầu trong việc nuôi tôm - rừng giảm phát thải, ông Châu Công Bằng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho rằng, giải pháp giảm phát thải chỉ có 3 cách: Sản xuất không gây phát thải; bù trừ bằng việc có rừng để hấp thụ carbon; chuyển đổi sản xuất.
“Trong nuôi tôm - rừng, để không phát thải phải giảm ô nhiễm từ đất, nước. Bà con nuôi tôm - rừng lưu ý phải đảm bảo tỷ lệ rừng đúng theo quy định, hạn chế thấp nhất ô nhiễm làm phát thải khí nhà kính”, ông Bằng nói.
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tổng kết diễn đàn. |
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, diễn đàn mang lại sự kết nối giữa những người có công nghệ với người cần công nghệ; nhà khoa học với nông dân; doanh nghiệp với nhà sản xuất; nông dân với thị trường.
“Chúng tôi mong muốn các nhà công nghệ cùng ngồi lại với nhau để tích hợp công nghệ, cùng nhau xây dựng những mô hình hiệu quả hơn, bền vững hơn. Mong người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng trong giảm phát thải, đặc biệt là liên kết chuỗi phải đảm bảo chặt chẽ”, ông Thanh nói.