Cập nhật đề thi, nhận xét đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng nay 27/6, hơn một triệu thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với môn thi đầu tiên: Ngữ văn.

Theo lịch, sáng nay, các em làm bài thi môn Ngữ văn, giờ phát đề là 7h30, giờ làm bài là 7h35. Thời gian làm bài thi kéo dài 120 phút. Đến 9h35 các em nộp lại bài thi.

Đến chiều, thí sinh thi Toán. Sáng và chiều ngày mai (28/6), thí sinh sẽ làm bài thi Khoa học Tự nhiên/ Khoa học xã hội và Ngoại ngữ. Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng. Về đề thiđáp án môn Ngữ Văn tốt nghiệp THPT 2024, chúng tôi cập nhật nhanh nhất tại đây.

Chi tiết đề tại đây:

Cập nhật đề thi, nhận xét đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024 ảnh 1

Ảnh: Ngọc Tú

Kết thúc buổi thi đầu tiên, các thí sinh tại Đà Nẵng rời trường thi trong tâm trạng vui vẻ. Theo các em, đề Văn năm nay "dễ nuốt", phần đọc hiểu có thể kiếm điểm tuyệt đối. Phần Làm văn cho các em tư duy, bày tỏ nhìn nhận cá nhân một cách cởi mở về việc "tôn trọng cá tính". Riêng đoạn trích Đất Nước, nhiều thí sinh cho hay "trúng tủ".

Tú Anh (điểm thi THPT Nguyễn Hiền) tự tin kiếm điểm 7, trong khi đó, Ngọc Trung nói mình có thể đạt 8 điểm trở lên. "Đề không khó, nếu học kỹ sẽ kiếm được điểm cao. Riêng phần Đọc hiểu câu trả lời đã có ngay trong đoạn trích", Trung nói.

Sau khi các con rạng rỡ bước ra cổng trường, nhiều phụ huynh ở điểm thi trường Phổ thông nội trú tỉnh Kon Tum đã ôm lấy vì con làm được bài thi. Chị Phan Thị Hiệp (trú huyện Đăk Hà) cho biết:” Tôi từ huyện xuống phố để tiếp sức cho con. Thấy con cười tôi xúc động vô cùng”.

Đắk Lắk: Nhiều thí sinh “trúng tủ” đề thi Ngữ văn

Bước ra khỏi điểm thi với tâm trạng phấn khởi, thí sinh Bùi Thị Hoa đánh giá đề thi môn Ngữ Văn rất hay và ý nghĩa. Phần đọc hiểu đã giúp các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa, sức mạnh của tình đoàn kết. Hoa chia sẻ: “Sau khi nhận đề, em rất vui vì “trúng tủ". Nhờ ôn tập kỹ càng, em chỉ mất khoảng 2/3 thời gian để hoàn thành bài thi, còn lại dành để kiểm tra lỗi. Em tự đánh giá, bài thi của mình được khoảng 7-8 điểm”.

Thí sinh Võ Quang Tùng (học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên) cũng hào hứng chia sẻ: “Môn Ngữ Văn không phải sở trường của em. Em cũng dành ít thời gian để ôn thi môn học này. Trước khi vào phòng thi, em khá hồi hộp. Khi được giám thị phát đề thi, em thở phào nhẹ nhỏm vì biết mình đã học “trúng thủ””.

Giáo viên nhận xét đề thi Ngữ Văn dễ thở

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) nhận xét, cũng như nhiều năm trước, đề thi năm nay nhẹ nhàng, quen thuộc, dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.

Với phần đọc hiểu, các thí sinh có thể dễ dàng trả lời vì ở mức độ nhận biết. Còn đề thi Nghị luận Xã hội năm nay khá hay, học sinh dễ thở. Trình bày suy nghĩ về việc tôn trọng cá tính. Câu hỏi sát với thực tế, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, tạo điều kiện cho sự phát triển của mỗi cá nhân trong xã hội.

Về phần Nghị luận Văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trích dẫn từ tác phẩm Đất Nước và được yêu thích trong chương trình, thí sinh về cơ bản sẽ có cảm hứng làm bài tốt. Năm nay, với thí sinh học trung bình lấy điểm 7 cũng không quá khó.

Kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều thí sinh tại Hà Tĩnh tự tin khi làm được bài. Một số học sinh cho biết, đề hay, sát với thực tế. Chỉ cần biết biểu đạt, nhìn nhận đúng vấn đề đi vào trọng tâm thì dễ dàng lấy trên 8 điểm.

Một giáo viên THPT tại thành phố Buôn Ma Thuột cho hay, đề thi môn Ngữ Văn nằm trong kiến thức mà các thí sinh đã ôn tập. Đặc biệt, đề thi không quá khó và rất hay. Với đề thi này, các thí sinh chỉ cần có tư duy tốt là sẽ làm bài đạt kết quả cao.

Cô Đỗ Thị Ánh Thư - Quản lý chuyên môn của Công ty Gia sư eTeacher nhận định:

Nhìn chung, đề thi năm nay giữ ổn định cấu trúc so với năm ngoái, khá nhiều thí sinh “trúng tủ” tuy nhiên có xuất hiện nhiều điểm cao hay không là một vấn đề khác bởi đề có một số điểm đổi mới đáng chú ý.

Thứ nhất về độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải tư duy logic, năng phân tích và lập luận sắc bén.

Hơn nữa đề thi xuất hiện một số dạng câu hỏi cung cấp dữ liệu trừu tượng đòi hỏi học sinh phải khai phóng tính sáng tạo, phải vận dụng kiến thức vào thực tế linh hoạt.

Ngoài ra bài Đất Nước được đưa vào lần này nhằm nâng cao nhận thức thí sinh về lòng yêu nước, chủ quyền dân tộc trong bối cảnh thế giới hiện nay. Cũng để thách thức tính sáng tạo của thí sinh xem có điểm gì nổi bật, khác lạ so với những kiến thức đã được tiếp thu ở trên lớp.

Cuối cùng là đề chính thức có vẻ “dễ thở” hơn so với đề minh họa được Bộ GD&ĐT công bố trước đó, đặc biệt là phần đọc hiểu.

(Hợp- Thái Lâm- Huỳnh Thủy-Thanh Trần-Nhàn Lê-Hoài Nam)

MỚI - NÓNG