'Cha đẻ' Vietkey được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trường Đại học CMC vừa bổ nhiệm TS Đặng Minh Tuấn (Tuấn Vietkey) làm trưởng Khoa Vi điện tử và Viễn thông.

TS Đặng Minh Tuấn là tác giả của Vietkey, phần mềm gõ tiếng Việt đầu tiên trước khi UNICODE chính thức áp dụng.

Ông nguyên là Đại tá quân đội, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về An toàn thông tin. Trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông, ông Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC; Trưởng phòng Lab Blockchain – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Phó Chủ tịch Câu lạc bộ FinTech của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

'Cha đẻ' Vietkey được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông ảnh 1

TS Đặng Minh Tuấn

Ông Tuấn là Tiến sĩ chuyên ngành Toán và Mật mã, và nghiên cứu Blockchain từ 2014, anh Tuấn sở hữu nhiều kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực Blockchain như Cryptography, Smart Contract, Consensus algorithms…

TS Đặng Minh Tuấn sinh ngày 10/5/1966, tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Toán cơ tại Đại học Quân sự Antonina Zapotockeho (Tiệp Khắc trước đây). Năm 2017, anh nhận bằng Tiến Sỹ Toán học tại Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự. Từ năm 2018, ông là cộng tác viên – Trưởng nhóm nghiên cứu Blockchain thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CIST).

Sau thời gian được nhà nước cử đi du học, TS Đặng Minh Tuấn đã có cơ hội công tác tại Viện Tự động hoá Kỹ thuật Quân sự. Chính trong khoảng thời gian này, bộ gõ Vietkey được ra đời, phục vụ cho các dự án chế bản điện tử và viễn ấn của các tòa soạn báo lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, ông cũng đã tự xây dựng hệ phát triển và mô phỏng các chip Z80, 8085, 8049 trên máy vi tính, đồng thời tham gia đề tài nhà nước về công nghệ FPGA - công nghệ nền tảng của việc thiết kế chip.

Ông Tuấn đã liên tục cống hiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin dưới các vai trò: Trưởng phòng tích hợp hệ thống Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về An toàn thông tin, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng.

Sau này, khi trở thành Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, ông cùng các cộng sự đã tiếp tục cho ra đời gần 30 sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực AI, blockchain và vi mạch bán dẫn. Trong đó, giải pháp nhận diện khuôn mặt CIVAMS được xếp hạng top 1 tại Việt Nam và top 12 trên thế giới theo đánh giá của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST).

Ông cũng có nhiều công trình/đề tài nghiên cứu cấp Nhà Nước, cấp bộ được bảo vệ thành công. Các giải thưởng tiêu biểu mà ông đã nhận bao gồm: sản phẩm Vietkey Linux – đạt giải Nhất cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam”; sản phẩm này đã được gắn với tên anh thành một thương hiệu Tuấn “Vietkey”; giải pháp “Tên miền tiếng Việt” – đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec); cùng Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị mật mã hiệu năng cao có khả năng tích hợp trong các sản phẩm dùng trong thông tin liên lạc và truyền số liệu” được triển khai từ năm 2012 đến 2014.

Được biết Khoa Vi điện tử và Viễn thông mới được Trường Đại học CMS thành lập. Ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông thuộc khoa bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 với 80 chỉ tiêu.

MỚI - NÓNG