316 dự án đầu tư công giải ngân 0 đồng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Tài chính vừa “bêu tên” hơn 300 dự án đầu tư công giải ngân 0% vốn. Các dự án “giậm chân tại chỗ” này chủ yếu vướng giải phóng mặt bằng hoặc do thay đổi kế hoạch so với chủ trương đã phê duyệt. Sau khi bị bêu tên, một số địa phương vào cuộc “thúc” giải ngân vốn đầu tư công như cắt vốn, điều chuyển sang dự án giải ngân tốt hơn.
316 dự án đầu tư công giải ngân 0 đồng ảnh 1

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai (Hà Nội) giải ngân vốn 0 đồng năm 2024. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Lộ diện những địa phương “đội sổ”

Bộ Tài chính có văn bản gửi nhiều UBND tỉnh, thành phố công khai tên các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, cả nước có 48 địa phương với 316 dự án, tiểu dự án đầu tư công với mức giải ngân 0% kế hoạch.

Dù chỉ có tổng số vốn chưa giải ngân 343 tỷ đồng nhưng tỉnh Điện Biên đứng đầu cả nước với 105 dự án giải ngân 0% tính đến ngày 30/4. Tại địa phương này, nhiều dự án “giậm chân tại chỗ” như: 11 dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 tại UBND các huyện như Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo…

Ngoài ra có gần 30 dự án xây dựng nhà lớp học ở các bản tại Điện Biên chưa giải ngân đồng nào, điển hình: nhà lớp học bản Nậm Hài, Huổi Chá… Nhiều dự án thuỷ lợi, đường giao thông, cấp nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước bẩn vệ sinh môi trường cũng chung cảnh chưa giải ngân được đồng nào.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Tài chính về giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Điện Biên cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến chậm giải ngân như: một số sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát trong việc lập kế hoạch; thiên tai, thời tiết phức tạp; chậm giải phóng mặt bằng; năng lực một số đơn vị chủ đầu tư còn hạn chế. Xã Hua Thanh và Thanh Nưa (huyện Điện Biên) làm chủ đầu tư một số dự án. Tuy nhiên, năng lực, trình độ quản lý dự án còn hạn chế nên cả 2 xã đang làm thủ tục để đề nghị chuyển chủ đầu tư về các phòng, ban của huyện Điện Biên.

Sau khi bị Bộ Tài chính “bêu tên”, đầu tháng 6/2024, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức họp cùng đơn vị trực thuộc “thúc” đẩy nhanh vốn đầu tư công. Theo ông Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát, điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt.

Ngoài Điện Biên, còn nhiều địa phương có dự án chưa giải ngân là Sơn La (22 dự án, tổng vốn 258 tỷ đồng); Hòa Bình (18 dự án, tổng vốn 65 tỷ đồng).

Hà Nội cũng có 2 dự án trong danh sách giải ngân vốn đầu tư công 0% gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai (450 tỷ đồng) và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (4.190 tỷ đồng). Dù số lượng dự án giải ngân 0 đồng ít nhất nhưng tổng số vốn chưa giải ngân của Hà Nội cũng lớn nhất.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô đến nay gặp khó khăn trong trong tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư.

Trong danh sách dự án chưa giải ngân, riêng lĩnh vực y tế có 15 địa phương có dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào (gồm: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Bắc Cạn, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hoà Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Đắk Nông, Long An, Bến Tre).

Tại Nam Định, Dự án Xây dựng Bệnh viện Da liễu tỉnh Nam Định có số vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng, chậm giải ngân được lý giải do thay đổi địa điểm đầu tư, dời từ vị trí cũ có diện tích 1.000 m2 đến vị trí mới có diện tích lớn hơn gấp 10 lần (tối thiểu 1 ha) và đang được tổ chức lấy ý kiến của các ngành. Sự thay đổi này khá phức tạp, vì liên quan đến diện tích giải phóng mặt bằng chủ yếu là đất ruộng, đấu nối hạ tầng giao thông, quy hoạch phân khu.

Cần điều chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm

Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án chưa giải ngân và thực hiện điều chuyển vốn theo thẩm quyền, giữa các dự án không có khả năng giải ngân, hoặc chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn.

Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), sau khi rà soát, bộ đã hướng dẫn một số địa phương phân bổ chưa đúng tiêu chí thực hiện đúng việc phân bổ vốn đầu tư. Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu.

5 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt 190.600 tỷ đồng, tương đương 26,6% kế hoạch năm.

Tại công điện mới đây về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu bộ ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án. Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giải pháp xử lý chậm giải ngân vốn đầu tư công đã thực hiện nhiều năm. Việc Bộ Tài chính công khai danh sách dự án chưa giải ngân đồng nào thể hiện sự giám sát sát sao. Khi bị “bêu tên”, bộ ngành, địa phương sẽ phải xắn tay giải quyết tồn đọng, vướng mắc.

Chậm giải ngân đầu tư công không còn là câu chuyện chung chung của địa phương trên cả nước. Khi được điểm mặt chỉ tên từng dự án, các địa phương, chủ đầu tư phải tìm ra giải pháp xử lý. Đồng thời, cơ quan chức năng nên mạnh dạn điều chuyển vốn, cắt vốn sẽ góp phần giải quyết căn bệnh chậm giải ngân vốn đầu tư công”, ông Long nói.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.