Chưa rõ ai được trả tiền bán tín chỉ carbon
Ngày 12/6, tại tọa đàm với chủ đề: “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý”, GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, từ hơn 14 triệu ha rừng tại Việt Nam, nước ta có tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ và phục hồi rừng. Với ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế.
"Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD/năm. Giá tín chỉ carbon hiện tại khoảng 5 USD/tín chỉ. Số tiền này sẽ được chi trả cho người trồng rừng hay chi trả cho Nhà nước, hay theo tỷ lệ nào?", ông Vinh đặt vấn đề và cho biết theo Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nhà nước khuyến khích việc tham gia thị trường tín chỉ carbon và có các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia.
GS. TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM) trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Nhàn Lê. |
Tuy nhiên, theo ông Vinh, luật nói trên chưa quy định chi tiết về tỷ lệ phân chia thu nhập từ tín chỉ carbon. Do đó, thu nhập sẽ được xác định dựa trên hợp đồng thỏa thuận giữa các bên liên quan.
“Tôi cho rằng, phát triển một thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch”, ông Vinh đưa ra quan điểm.
Cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon
Ở khía cạnh pháp lý, TS Võ Trung Tín - Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - cho rằng cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon. Cần sửa đổi Nghị định 06/2022, trong đó, bổ sung các quy định như với dự án tín chỉ carbon nói chung, cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon.
Ông Tín cho hay, một dự án tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cần trải qua các bước cơ bản như đăng ký ý tưởng dự án và phương pháp luận, đăng ký dự án, báo cáo thực hiện dự án, thẩm định và cấp tín chỉ carbon.
Toàn cảnh hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý”. Ảnh: Nhàn Lê. |
Về cơ quan thẩm quyền, Chính phủ có thể giao cho từng bộ quản lý công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện hệ thống giám sát - báo cáo - thẩm định (MRV) cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực.
Về thuế của tín chỉ carbon nói riêng cũng như hạn ngạch phát thải nói chung, luật sư Lê Duy Khang - Công ty Luật TNHH MTV Tín và Tâm - cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành đồng bộ. Dự kiến, lộ trình sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành vào 2025 và đi vào hoạt động chính thức năm 2028. Nếu chậm trễ ban hành sẽ dẫn đến thiệt hại cả về thất thu ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp phải xử lý về mặt kế toán đối với loại tài sản mới này.
TS Cao Tung Sơn - Trưởng phòng Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM - trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Nhàn Lê. |
Trước vấn đề doanh nghiệp sẵn sàng xả thải, sẵn sàng mua tín chỉ carbon thì quy định thế nào, ông Cao Tung Sơn - Trưởng phòng Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - giải đáp: "Quy định về thị trường tín chỉ carbon, trong đó các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải vượt quá hạn ngạch. Tuy nhiên, việc này phải minh bạch và công khai, nhằm tránh tình trạng lợi dụng mua bán tín chỉ carbon để tiếp tục xả thải không kiểm soát".
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Tín chỉ carbon hay định mức carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra 1 lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2).