Theo BS Hồng Nga nhóm ca bệnh sởi mới được ghi nhận 2 ca ở quận Bình Tân, 2 ca tại huyện Hóc Môn, tất cả đều là trẻ dưới 24 tháng tuổi. “Ở độ tuổi này, nếu theo lịch tiêm chủng thì trẻ đã được vắc xin nhưng thực tế cả 4 trẻ chưa tiêm ngừa bệnh sởi là nguyên nhân trực tiếp khiến các bé mắc bệnh.
Khai thác thông tin từ phía gia đình các bệnh nhi, bác sĩ ghi nhận nhiều lý do chưa cho con đi tiêm ngừa như: trẻ thường xuyên bị bệnh, cha mẹ bận rộn nên không có thời gian đưa con đi tiêm khiến trẻ chưa được tiêm chủng.
Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ bùng phát dịch ở mức cao (ảnh minh họa) |
Đại diện HCDC cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều loại vắc xin đã bị gián đoạn, trong đó có vắc xin ngừa bệnh sởi. Ngay từ đầu năm 2024 Sở Y tế TPHCM nhận định khả năng xảy ra dịch sởi rất lớn.
Trước tình hình trên, Sở đã ban hành kế hoạch tiêm bù vắc xin nhằm tăng tỷ lệ bao phủ phòng bệnh, giám sát phát hiện ca bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế đã chủ động rà soát danh sách trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, mời trẻ chưa được tiêm sởi ra trạm y tế tiêm phòng, rà soát lịch sử tiêm chủng tại trường mầm non và khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi tiêm.
Đối với những trẻ thường xuyên bị bệnh, BS Hồng Nga cho biết, giải pháp để phòng bệnh là cho trẻ tiêm ngừa sởi khi đến bệnh viện điều trị, không cần đến trạm y tế. Sau khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên HCDC đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra dịch tễ, khoanh vùng ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
BS Hồng Nga, cảnh báo thời gian tới bệnh sởi sẽ tiếp tục gia tăng, cộng đồng cần nâng cao ý thức cảnh giác, đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Những người dân thay đổi địa chỉ cư trú cần liên hệ với trạm y tế phường xã, cập nhật thông tin để trẻ được tư vấn, tiêm chủng đúng lịch.