Tại EURO 1988, Hà Lan được kỳ vọng sẽ mang đến thứ bóng đá hấp dẫn và hiệu quả. Đó là thứ bóng đá đã giúp họ chinh phục được những NHM khó tính nhất của làng túc cầu suốt gần 2 thập kỷ trước đó.
Nhưng điều họ chưa thể chinh phục là những danh hiệu. Trong thập niên 70, đã 2 lần liên tiếp Hà Lan thua cay đắng ở chung kết World Cup (1974 và 1978). Tại đấu trường châu Âu, đội bóng của Johan Cruyff cũng chưa thu về thành công nào.
Thứ bóng đá sở trường của Hà Lan bị đánh giá là đẹp mắt nhưng thiếu hiệu quả. Và tại EURO 1988, điều đó lại được phản ánh trong thời gian đầu. Mọi thứ với họ rất khó khăn. Ngay từ vòng bảng, Hà Lan đã vấp phải sự kháng cự lớn từ những đối thủ coi họ là “mục tiêu tối thượng”.
Trong trận mở màn, Hà Lan đã bị Liên Xô đánh bại với tỷ số 1-0 nhờ bàn thắng của Vasyl Rats. Mặc dù đã thống trị trong phần lớn thời gian trận đấu, nhưng Hà Lan dứt điểm rất tệ. Họ phung phí những cơ hội và phải trả giá đắt.
Trận thứ 2, Hà Lan phải gặp một ĐT Anh sừng sỏ. Anh khởi đầu mạnh mẽ. Lineker sút trúng cột dọc rồi sau đó Glenn Hoddle lại tìm đến trúng cột dọc từ quả sút phạt. Nhưng trong khó khăn, Marco van Basten đã vươn mình trở thành điểm tựa của đội nhà. Ông kéo cả đoàn tàu Hà Lan vượt lên với bàn thắng ở phút 44.
Đây chính là trận đấu của Van Basten. Dù bị gỡ hòa đầu hiệp 2 nhưng Hà Lan vẫn thắng thuyết phục nhờ 2 pha ghi bàn nữa của Van Basten, người sau này trở thành huyền thoại của họ.
Hà Lan đã thắng cả 2 trận sau khi thua Liên Xô |
Trận cuối, Hà Lan vẫn phải thắng. Họ tiếp tục đối diện với khó khăn khi hàng công bất ngờ tắt lịm trước hàng thủ được tổ chức tốt của CH Ireland. Song vào phút 88, vậy may đã mỉm cười với họ. Kief ghi bàn quan trọng, đưa Hà Lan vào vòng trong với 2 trận thắng và 1 trận thua.
Trong khi đó ở bảng A, Tây Ban Nha, Tây Đức và Italia đã tạo ra một cuộc đua tay ba hấp dẫn. Đã có lúc Tây Ban Nha nắm lợi thế nhưng hai trận thua tai họa trước đối thủ trực tiếp đã khiến họ bị loại.
Tại bán kết, Tây Đức đấu Hà Lan. Đây mới là lần thứ ba hai bên đối đầu nhau kể từ trận chung kết World Cup 1974. Và như thường lệ, Đức vẫn được đánh giá cao hơn nhờ sân nhà cùng sự hiệu quả và lạnh lùng. Nếu như Hà Lan trông chờ vào điểm nổ Van Basten thì Đức có những Matthaus, Klinsmann, Kohler và Voller, lại được dẫn dắt bởi Beckenbauer.
Thế trận diễn ra chặt chẽ. Tây Đức khai thông thế bế tắc ở phút 55 nhờ quả phạt đền của Matthaus. 20 phút sau, Ronald Koeman thực hiện thành công quả đá phạt đền để san bằng tỷ số.
Cú volley phi thường của Van Basten trong trận chung kết |
Trước khi bước sang hiệp phụ, Van Basten đã tạo ra khoảnh khắc đáng nhớ. Anh đánh bại thủ môn và Kohler ở phút 88 để giúp đội nhà giành chiến thắng 2-1. Đây mới là chiến thắng đầu tiên trước người Đức của Hà Lan. Quan trọng hơn, nó đưa họ vào chung kết.
Tại chung kết, Hà Lan gặp lại Liên Xô. Nhưng không còn trở ngại như trận khai mạc nữa mà là 90 phút dễ thở của Hà Lan. Họ thắng trận với tỷ số 2-0 nhờ các bàn thắng của đội trưởng Ruud Gullit và Marco van Basten.
Đặc biệt, phải nhắc đến bàn ấn định tỷ số 2-0 của Van Basten. Đó là cú vô lê sắc bén từ cự ly và góc sút rất khó. Đây vẫn được coi là một trong những bàn thắng vĩ đại nhất lịch sử Giải vô địch châu Âu. EURO 1988 ghi dấu những khoảnh khắc siêu sao của Van Basten và Hà Lan, giúp họ chấm dứt nhiều năm trời khát danh hiệu.
Đáng tiếc, đó cũng là khoảnh khắc hiếm hoi mà bóng đá Hà Lan thực sự vươn tới đỉnh cao.
EURO 1988
Chủ nhà: Tây Đức
Vô địch: Hà Lan
Á quân: Liên Xô
Vua phá lưới: Van Basten (Hà Lan) - 5 bàn
Số đội tham dự: 8
Số trận đấu: 15 Bàn thắng: 34 (2,27 bàn/trận)
NHỮNG CỘT MỐC ĐÁNG NHỚ CỦA EURO 1988
• Chiến thắng của Hà Lan trước Tây Đức ở bán kết là chiến thắng đầu tiên của họ trước người hàng xóm kể từ năm 1956. Lễ ăn mừng sau trận đấu đó được coi là cuộc tụ tập ngoài đường đông nhất ở Hà Lan kể từ sau Thế chiến thứ hai.
• Thủ môn Peter Shilton trở thành cầu thủ Anh thứ tư có 100 lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Nhưng trong ngày này, anh để thủng lưới 3 bàn và nhận trận thua 1-3.
• EURO 88 là một VCK hiếm hoi không có một trận đấu nào xuất hiện thẻ đỏ hoặc hòa không bàn thắng. Cũng không có trận đấu loại trực tiếp nào phải bước vào hiệp phụ hoặc loạt luân lưu ở VCK năm này.
• EURO 1988 là giải vô địch châu Âu cuối cùng có các đội Tây Đức và Liên Xô.