Chúng ta đang thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025. Nhiều ý kiến băn khoăn với tên đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Trong việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính có rất nhiều tiêu chí cần quan tâm, trong đó cần nhấn mạnh đến yếu tố văn hoá. Nếu không quan tâm vấn đề này, đôi khi, mục tiêu tốt nhưng kết quả, hiệu quả không tốt. Việc đặt tên đơn vị hành chính mới, theo tôi phải lắng nghe dư luận xã hội.
Tôi có theo dõi trên báo chí, mạng xã hội, nhiều người rất bức xúc với việc sẽ bị mất tên xã, tên phường, mất đi một cái gì đã đi vào trái tim, tâm hồn của họ. Tôi nhất trí với ý kiến bức xúc đó. Tên xã, tên phường nhiều khi không chỉ là tên gọi, nó đã thấm đẫm vào từng người dân, là tình yêu, tình cảm đặc biệt của mỗi người với quê hương. Vì thế, khi đặt tên đơn vị hành chính mới cần hết sức cân nhắc.
Phường Nguyễn Trung Trực dự kiến được sáp nhập vào phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: T.C |
Việc sáp nhập, không chỉ dựa theo luật, mà còn phải quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, người dân địa phương. Cũng phải tính đến sự khác biệt về văn hoá. Có khi chỉ cách nhau luỹ tre, con đường mà nhiều tập tục đã khác nhau. Làm sao khi sáp nhập phải tạo sự đoàn kết, hoà nhập.
Chúng ta đã có kinh nghiệm như khi sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây về Hà Nội. Ban đầu cũng nhiều khó khăn, nhưng rồi kết quả cho thấy không có cú sốc văn hoá nào.
Tôi thấy, quan trọng nhất khi sáp nhập đơn vị hành chính là cố gắng không tạo ra những cú sốc về văn hoá. Như thế mới có kết quả tốt đẹp. Trong lịch sử đã có nhiều địa phương phải chia tách, sáp nhập. Có những nơi kỷ niệm tái lập như một ngày hội. Các cơ quan chức năng phải làm thế nào để việc sáp nhập cũng tưng bừng như thế, là một sự kiện vui vẻ; tránh để việc sáp nhập thành niềm vui của người này, nỗi buồn của người kia.
Một cuộc “cách mạng”
Một số địa phương dự định đặt tên đơn vị hành chính mới theo kiểu ghép chữ giữa các đơn vị hành chính cũ. Việc này gây nhiều ý kiến trái chiều, thưa ông?
Việc ghép tên đơn vị hành chính mới từ tên đơn vị hành chính cũ đã có nhiều, như Hà Sơn Bình, Hà Tuyên, Phú Khánh, Bình Trị Thiên… Câu chuyện đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, như tôi nói, là rất khó.
Nếu không ghép tên thì thực hiện như thế nào. Lấy tên của một xã, phường rồi bỏ tên một xã, phường cũng rất khó khăn. Tôi vẫn cho rằng, việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần dựa trên quan điểm, tên xã, phường không chỉ là tên gọi mà nhiều khi là tình cảm, tình yêu, là văn hoá, là ý chí, niềm tự hào của người dân để cân nhắc.
Thưa ông, với một số xã, phường ở các thành phố lớn, việc sáp nhập sẽ khiến đơn vị hành chính mới tăng quy mô dân số, sẽ gây áp lực với bộ máy chính quyền?
Tôi nghĩ rằng, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cần được tiến hành bài bản, không nóng vội, bởi liên quan nhiều vấn đề. Như câu chuyện cán bộ, trước khi sáp nhập chỉ có vài nghìn hộ dân, giờ tăng lên gấp nhiều lần thì giải quyết thế nào. Sắp xếp đơn vị hành chính, những yếu tố tích cực có thể tăng lên gấp đôi, nhưng yếu tố tiêu cực cũng tăng lên. Vì thế, cán bộ phải nâng cao trình độ, nâng cao năng lực phục vụ nhân dân. Tôi cho rằng, quan trọng nhất với cán bộ là phải có đạo đức cách mạng, đạo lý làm người. Hai cái này phải đi liền với nhau. Những điều mình không thích thì đừng áp dụng cho người khác. Thứ hai, trong bối cảnh mới, cần phải phát huy dân chủ thật sự, bàn bạc, lắng nghe, giải quyết các vấn đề bằng tất cả trái tim của mình.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề lớn, từ T.Ư đến địa phương cần quan tâm, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, hướng tới sau sáp nhập phải tốt hơn. Quan trọng nhất là chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để thực hiện việc sáp nhập. Đừng nghĩ xã, phường là bé, bởi đây là cấp cơ sở gần người dân nhất. Nếu không làm hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.
Để làm hài lòng tất cả mọi người khi đặt tên đơn vị hành chính mới là điều không đơn giản. Phải chia sẻ khó khăn này với các cơ quan, đơn vị thực hiện. Ví dụ, nhập xã An Bình với Quyết Thắng thì lấy tên gì? Ghép mỗi xã một chữ liệu có ổn không? Hay đặt tên mới là An Bình Quyết Thắng? Người dân có đồng ý hay không?
Tôi nghĩ rằng, khi đặt tên đơn vị hành chính mới, cần một cách làm bài bản, từ tốn, thuyết phục và có sự nhường nhịn lẫn nhau. Phải có sự chuẩn bị, tuyên truyền, bàn bạc để mọi người cùng thống nhất. Cán bộ địa phương cũng cần làm việc có tâm, không mang tính cục bộ, địa phương, cá nhân chủ nghĩa. Cách ứng xử cần có văn hoá, nhìn trước nhìn sau, vì lợi ích chung mà có thể hy sinh điều này, điều khác…
Đây là một cuộc cách mạng chứ không hề đơn giản, sẽ động chạm đến tất cả các vấn đề từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng, đời sống của nhân dân. Chủ trương thì đúng rồi, nhưng phải làm thận trọng, bài bản, từng bước; không được làm theo phong trào, làm cho xong.
Ngoài việc đặt tên, cần chú trọng đến công tác cán bộ, quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân nơi phải sáp nhập…
Cần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa
Theo ông, làm thế nào để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá của các đơn vị hành chính bị mất tên khi sáp nhập? Rõ ràng, những cái tên trước đây như Hà Tuyên, Hà Sơn Bình hay như Hà Tây vẫn còn được nhiều người nhớ tới?
Tôi thấy để gìn giữ các giá trị văn hoá có vai trò rất lớn của công tác giáo dục, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, cái tên Hà Tây không còn là địa giới hành chính một tỉnh, nhưng danh xưng Hà Tây vẫn còn. Những bài hát về Hà Tây vẫn được hát, nhiều địa danh nổi tiếng vẫn gắn với Hà Tây, văn hoá xứ Đoài vẫn được phát huy.
Vấn đề là với các đơn vị hành chính phải sáp nhập, các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm hơn về vấn đề văn hoá, để những nét đặc sắc về văn hoá không bị mai một. Đảng ta quan niệm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bản sắc này là đặc trưng văn hoá của từng vùng miền, từng địa phương, từng thôn xóm, cần tiếp tục được gìn giữ, phát huy để góp phần phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, đất nước.
Rõ ràng, việc sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là một câu chuyện dài, có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi rất chia sẻ với một số ý kiến bức xúc về tên đơn vị hành chính mới. Nhưng tôi cũng chia sẻ với người thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính.
Không dễ để có phương án hài lòng với tất cả mọi người. Kiểu ghép tên, ghép chữ, bỏ tên này, giữ tên kia đều từng làm rồi. Nếu không cẩn thận sẽ nảy sinh chuyện này, chuyện kia.
Tôi nghĩ rằng, việc cần làm là bình tĩnh, chia sẻ, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, nâng cao hoạt động của bộ máy chính quyền sau sáp nhập. Trong công cuộc đổi mới nào mà không có sự nhường nhịn, nếu không nói là phải có sự hy sinh, mất mát để được cái lớn hơn?
Cảm ơn ông!