Chưa thể lập được tài khoản để phụ huynh đóng tiền
Nội dung thông báo gửi đến phụ huynh nêu, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam vừa nhận được thông tin chưa thể lập được tài khoản ngân hàng đồng sở hữu 3 bên giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, nhà trường, phụ huynh ngay trong ngày 31/3.
Dự kiến vào hôm nay (1/4), đại diện các bên sẽ đến ngân hàng làm thủ tục và sớm công bố số tài khoản để phụ huynh đóng góp kinh phí nhằm duy trì việc vận hành nhà trường đến hết năm học 2023 - 2024.
Hàng trăm phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam làm việc với chủ trường và các ban ngành, chiều 30/3. Ảnh: Nhàn Lê |
“Do các yếu tố khách quan, chúng ta sẽ cần thêm thời gian giải quyết vấn đề lương của giáo viên triệt để nên học sinh sẽ chưa đi học vào ngày 1/4 như dự kiến. Thông tin ngày học chính thức sẽ được thông báo sớm đến phụ huynh” – thông báo nêu.
Thời gian qua, lùm xùm tài chính tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (đóng tại huyện Nhà Bè, TPHCM) khiến giáo viên đình công vì bị nợ lương và học sinh phải nghỉ học vào ngày 18/2. Theo dự kiến, trong một tuần lễ nghỉ xuân (bắt đầu từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/3), chủ trường sẽ mời gọi, làm việc với các quỹ đầu tư để có lộ trình, phương án đảm bảo việc dạy và học cho học sinh.
Tại cuộc họp ngày 30/3 giữa đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, Công an TPHCM, hội đồng trường và phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, phần đông phụ huynh thống nhất phương án đóng thêm tiền để duy trì việc học cho học sinh đến hết năm học 2023 - 2024. Cơ quan ban ngành sẽ mở một tài khoản ngân hàng mới để thu các khoản đóng góp và tài khoản này chịu sự giám sát của các bên cùng đại diện phụ huynh.
Phương án dài hạn, phụ huynh nào đã tham gia hợp đồng góp vốn với nhà trường sẽ được quy đổi giá trị hợp đồng thành cổ phần. Trường sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư dưới sự giám sát của sở, ban ngành để tiến hành tái cấu trúc.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM khẳng định, nếu đóng góp, phụ huynh sẽ là người giám sát quỹ này, cơ quan chức năng cử người hỗ trợ. Để học sinh sớm trở lại học tập, phương án phụ huynh đóng tiền tiếp tương đối hợp lý, bởi nếu chuyển trường, phụ huynh cũng phải nộp học phí ở nơi mới.
"Chúng tôi đã hứa với giáo viên là phải giải quyết vấn đề lương, bảo hiểm, nếu không họ sẽ nghỉ việc ngay. Nhiều người đau ốm không thể đi khám vì bảo hiểm đã bị cắt, về nước cũng không được nên tình cảm với trường đã không còn nguyên vẹn" - ông Hiếu cho hay.
Lý do trường thua lỗ
Trong báo cáo gửi đến các ban ngành và trao đổi với phụ huynh, Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (Chủ đầu tư Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam) đã lý giải việc thua lỗ, thiếu hụt dòng tiền và khẳng định “công ty hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào khác ngoài giáo dục”.
Chủ đầu tư Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam khẳng định “công ty hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào khác ngoài giáo dục". |
Phía công ty cho hay, trường có khả năng tiếp nhận khoảng 4.000 học sinh nhưng thực tế chỉ mới tuyển được gần một nửa. Công ty đã dùng vốn của chủ đầu tư và tiền của phụ huynh để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Hàng năm, nhà trường vẫn chi tiền nâng cấp cơ sở vật chất, đóng phí chương trình tú tài quốc tế (IB), tổ chức tuyến xe buýt miễn phí đưa đón học sinh.
Trong các năm 2022 và 2023, lãi suất các hợp đồng vay và lãi huy động trái phiếu lên cao khiến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh. Cùng với đó, dịch COVID -19 khiến nguồn thu giảm, trong khi chi phí không đổi. Với khó khăn ngoài dự tính, công ty đã tạm thời mất thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến chậm lương cho giáo viên và chậm hoàn tiền cho phụ huynh với hợp đồng hợp tác đầu tư.
Chủ trường Quốc tế Mỹ bị cấm xuất cảnh
Do nợ thuế nên bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) bị cấm xuất cảnh. Ngoài ra, trường bị đình chỉ tuyển sinh năm học tới.
Theo ý kiến của Công an TPHCM, hợp đồng ký kết giữa nhà trường và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, nên chưa có cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ việc.