Cụ thể, anh D., cư dân ở Gia Lâm (Hà Nội), nhận được một cuộc gọi từ một số điện thoại tự xưng là cán bộ Công an quận Long Biên, thông báo rằng, Căn cước công dân của anh bị lỗi hệ thống và cần được khắc phục ngay. Đối tượng này yêu cầu anh D., đến công an phường để giải quyết vấn đề này.
Một người đàn ông bị kẻ gian hướng dẫn cài đặt phải phần mềm giả mạo dịch vụ công và mất 800 triệu đồng. |
Tuy nhiên, do lịch trình bận rộn và khoảng cách xa, nên anh D đã hẹn lại cho ngày hôm sau. Lúc này, kẻ gian đã thông báo rằng, hồ sơ cần được hoàn thiện gấp, và yêu cầu anh tải một phần mềm thông qua một liên kết mà họ cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa. Với giao diện giống với Dịch vụ công trực tuyến, anh D đã tin tưởng và thực hiện các thao tác như yêu cầu. Tuy nhiên, sau đó, tài khoản ngân hàng của anh đã bị kẻ gian thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt số tiền hơn 800 triệu đồng.
Không chỉ một trường hợp của anh D, gần đây, nhiều người dân đã bị lừa cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo, với mục đích chiếm quyền điều khiển điện thoại để lấy tài sản của họ.
Để tránh rơi vào các chiêu trò lừa đảo như vậy, Bộ Công an cảnh báo người dân cần:
Luôn cảnh giác với các cuộc gọi và tin nhắn từ các số không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những thông báo liên quan đến cán bộ của các cơ quan Nhà nước. Không nên tiếp nhận, cung cấp thông tin cá nhân hoặc tuân theo bất kỳ yêu cầu nào qua điện thoại mà không được xác minh.
Luôn lưu trữ số điện thoại của Cảnh sát khu vực hoặc trực ban Công an phường để liên hệ và xác minh người gọi điện.
Cẩn thận với bất kỳ yêu cầu nào để cài đặt phần mềm. Không bao giờ nhấp vào các liên kết nhận được qua tin nhắn và không cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ nguồn gốc.
Không nên lưu trữ thông tin bảo mật của ngân hàng trên các ứng dụng trên điện thoại.
Luôn cập nhật với các biện pháp phòng tránh và các phương thức lừa đảo mới trên các phương tiện thông tin đại chúng và chia sẻ thông tin này với người thân và bạn bè để họ cũng có thể đề phòng.