Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam

TPO - Đoàn công tác các tỉnh, thành phía Nam; doanh nghiệp; các cơ quan báo chí và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân vừa hoàn thành chuyến hải trình thăm, chúc Tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở vùng biển Tây Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Phát biểu tại buổi gặp mặt ở Phú Quốc trước khi khởi hành đi các đảo, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, cho biết, đây là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí hướng về biển, đảo.

Những tình cảm đó, là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - những người lính biển kiên trung vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 1

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan chia sẻ: "Với phương châm 'Đất liền hướng về đảo xa', đồng thời hưởng ứng tích cực Cuộc vận động 'Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc', đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, các doanh nghiệp, cơ quan báo chí quan tâm, sẻ chia trước những khó khăn, thiếu thốn nơi biên giới, hải đảo đã hỗ trợ xây dựng hàng chục công trình, trang thiết bị, nhu yếu phẩm... Nghĩa cử cao đẹp của các đồng chí mãi mãi khắc ghi trong trái tim người lính biển Tây Nam".

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 2

Các chiến sĩ hải quân tại buổi gặp mặt.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 3

Đại biểu tặng quà các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân tại Phú Quốc.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 4

Sau Phú Quốc, đoàn công tác đến thăm đảo tiền tiêu Thổ Chu (đảo lớn nhất và duy nhất có dân cư sinh sống trong 8 đảo của xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cách Phú Quốc khoảng 100km và cách thành phố Rạch Giá (trung tâm tỉnh Kiên Giang) khoảng 220km.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 5

Đại biểu tặng quà các đơn vị tại Trạm Radar 610, Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trên đảo Thổ Chu.


Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 6

Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo Thổ Chu. Đến nay, xã đảo đã có hơn 500 hộ dân với gần 1.900 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ...

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 7

Đoàn công tác chào cờ tại Trạm Radar 595 trên đảo Hòn Khoai, điểm kế tiếp của hải trình sau 14 tiếng đồng hồ trên biển. Hòn Khoai là 1 trong 5 đảo thuộc cụm đảo Hòn Khoai, ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đảo có diện tích khoảng 4km2, nằm cách đất liền khoảng 14km, điểm cao nhất so với mực nước biển khoảng 318m.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 8

Hòn Khoai là đảo có điều kiện tự nhiên rất phong phú; đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo Hòn Khoai không có dân cư sinh sống, thời tiết khí hậu tương đối khắc nghiệt, hiện chưa có phương tiện giao thông khai thác ra tuyến đảo, việc đi lại của các lực lượng trên đảo còn rất nhiều khó khăn.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 9

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trạm Radar 595, đảo Hòn Khoai.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 10

Điểm đến tiếp theo của đoàn là đảo Hòn Chuối, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền gần 32km về phía Tây. Diện tích đảo khoảng 7km2, điểm cao nhất so với mực nước biển là gần 170m.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 11

Đảo Hòn Chuối có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, tuy không xa đất liền nhưng điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 12

Trên đảo Hòn Chuối hiện chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia. Để trẻ em trên đảo được học tập, một lớp học tình thương ra đời nhiều năm nay do Thiếu tá Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng Hòn Chuối) đứng lớp. Hiện nay, lớp học tình thương với các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 13

Đại biểu tặng quà các đơn vị trên đảo Hòn Chuối.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 14

Quần đảo Nam Du (điểm đến thứ 4 trên hải trình của đoàn công tác) thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá khoảng 100km. Quần đảo gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống với hai đơn vị hành chính cấp xã là xã An Sơn và xã Nam Du, có tổng diện tích khoảng hơn 10km2. Nam Du được ví như là vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 15

Đoàn dâng hương tại đài tưởng niệm ở xã An Sơn, tưởng nhớ gần 500 ngư dân bị thiệt mạng trong cơn bão số 5 năm 1997.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 16
Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 17

Đường lên Trạm Radar 600 và Hải đăng Nam Du (ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam).

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 18Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 19

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 600 cùng đoàn viên thanh niên và người dân địa phương gói bánh chưng đón Tết sớm.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 20

Đại biểu tặng quà các lực lượng và nhân dân xã đảo An Sơn.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 21

Điểm cuối của hải trình là đảo Hòn Đốc (còn gọi là Hòn Tre lớn), thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là đảo lớn nhất trong 16 đảo của quần đảo Hải Tặc, cách đất liền khoảng 20km, diện tích của đảo khoảng 11km2. Phía Đông của đảo giáp thành phố Hà Tiên, phía Tây giáp thành phố Phú Quốc, phía Bắc giáp tỉnh Kam Pot của Campuchia.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 22

Đảo Hòn Đốc có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, từ thế kỷ trước, nơi đây đã được xác định là một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống các tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam. Hiện nay trên đảo Hòn Đốc còn lưu giữ cột mốc chủ quyền được xây dựng năm 1958, là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo của Tổ quốc.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 23

Đại biểu tặng quà động viên Hạ sĩ Dương Thái Tuấn, Trạm Radar 625 trên đảo Hòn Đốc. Hạ sĩ Dương Thái Tuấn có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi cha mẹ đều mất do tai nạn giao thông, quê nhà hiện chỉ có một anh trai. Tuấn đã tình nguyện nhập ngũ đầu năm 2023 đón Tết Giáp Thìn 2024 trên đảo cùng đơn vị.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 24

Trang hoàng đón Tết tại các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân trên các đảo.

Tết về trên các đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam ảnh 25

Sau 6 ngày với hải trình hơn 400 hải lý (tương đương hơn 600km), qua 5 đảo, đoàn công tác cập cảng ở Phú Quốc, hoàn thành chuyến đi đầy ý nghĩa, mang Tết ấm, Xuân về cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biển trời Tây Nam của Tổ quốc.

Vùng biển Tây Nam có diện tích khoảng 150.000km2 (Kiên Giang 63.000km2, Cà Mau 87.000km2), với hơn 150 đảo, trong đó có 46 đảo có người sinh sống thuộc 5 quần đảo (An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu); chiều dài bờ biển khoảng 450km, tính từ cửa sông Gành Hào (Bạc Liêu) tới Hà Tiên (Kiên Giang).

Tin liên quan