Cảnh giác với những thủ đoạn mới của tội phạm mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không dừng lại ở thủ đoạn cũ như đánh vào tâm lý muốn “việc nhẹ lương cao”, thích được nhận quà khuyến mãi của người tiêu dùng; lập website na ná các doanh nghiệp chào mời mua hàng giá rẻ…, những đối tượng xấu còn sử nhiều chiêu thức mới để đánh cắp thông tin giao dịch của chủ tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đủ chiêu lừa

Kể lại câu chuyện bị lừa hơn 200 triệu đồng mới đây, chị Nguyễn Thị Minh T (ngụ quận 4, TPHCM) cho biết, chị bán hàng online, hằng ngày nhận và chuyển khoản giao dịch qua điện thoại rất nhiều. Đầu tháng 9/2023 vừa qua, một khách hàng mua khá nhiều sản phẩm và thông báo đã chuyển tiền nhưng “không biết đã đến chưa” nên nhờ chị T (chủ hàng) làm theo hướng dẫn để xác nhận đã nhận được tiền.

“Người này là khách hàng mới, có vẻ “sộp”, lần đầu tiên đã dám chi gần 50 triệu đồng mua hàng nên để thuận tiện cho khách và giữ mối làm ăn, tôi đã làm theo hướng dẫn, truy cập link, sau đó nhập mã OTP để xác nhận đã nhận được tiền bán hàng thì tài khoản của tôi bị trừ mất 200 triệu đồng. Lúc đó tôi mới biết là mình bị lừa” - chị T kể.

Ông Hùng Anh (62 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng suýt bị lừa. Kẻ gian tự xưng là nhân viên của Điện Máy Xanh, chào mời ông Anh tham gia đánh giá sản phẩm để nhận tiền hoặc nhận quà từ chương trình tri ân, khuyến mãi sản phẩm với giá sốc...

Ông Hùng Anh nhớ lại: Đối tượng lừa đảo sử dụng đường dẫn đến trang web thật của Điện Máy Xanh nhằm tạo niềm tin từ phía nạn nhân. Thậm chí họ còn đưa ra giấy tờ nhằm chứng minh đây là chương trình của hệ thống này, đến khi con mồi mất cảnh giác và “cắn câu”, các đối tượng tiếp tục cài bẫy bằng việc tư vấn, chiêu dụ mua hàng... với mục đích cuối cùng là khách hàng phải thực hiện thao tác chuyển tiền.

Cảnh giác với những thủ đoạn mới của tội phạm mạng ảnh 1

Trang web giả mạo đã thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng. Ảnh nhân vật cung cấp

“Họ bảo khách hàng chuyển tiền ứng trước để có thể nhận được mức hoa hồng lớn hơn hoặc nhận được hàng hóa. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng cắt hết mọi liên lạc. Kẻ xấu còn tinh vi đến mức sử dụng thông tin có dấu hiệu liên quan đến Điện Máy Xanh, như dùng tên chuyển khoản có chữ Điện máy Xanh hay DMX... Nếu không nhờ con cháu biết chiêu trò này và can ngăn sớm thì tôi đã dính bẫy”- ông Hùng Anh cho hay.

Mới đây, Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM đã phát cảnh báo sau khi nhiều du khách nhầm tưởng website checkvisa.vn là của cơ quan ngoại giao này. Trước đó, đã có khách hàng được tư vấn nhiều nội dung không đúng quy định pháp luật khi gọi điện yêu cầu hỗ trợ hoặc tư vấn qua trang web này. Website checkvisa.vn còn mạo danh phòng vé máy bay của Công ty Du Lịch Việt, đăng tải những mức giá cực kỳ thấp để chào bán trên mạng.

Là người trực tiếp làm việc với nhiều nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, đã hướng dẫn rất nhiều khách hàng và người thân trình báo với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh mạng…

Đơn cử như mới đây, một khách hàng bị dụ dỗ làm công việc tương tác các clip trên Facebook và được hứa hẹn nhận được khoản thu nhập tốt. Ban đầu người này được chuyển về tài khoản ngân hàng 10.000 đồng/lần tương tác clip. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ khách hàng chiếm đoạt tổng cộng hơn 25 tỷ đồng.

“Hiện nay đã có cơ chế xử phạt hành chính. Trường hợp nào may mắn thì có thể nhờ cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, tuy nhiên quá trình này cũng vô cùng gian nan” - Luật sư Thảo nói.

Chậm lại để tránh sập bẫy

Tại hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng” diễn ra tại TPHCM ngày 19/9, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, lừa đảo trực tuyến đã và đang bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính.

Các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm đối tượng lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan vụ án, đường dây tội phạm. Chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra.

Một hình thức lừa đảo mới xảy ra gần đây là kẻ gian giả mạo công chức, viên chức, cơ quan nhà nước hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo (VssID, VNeID, eTax Mobile,…) để chiếm quyền điều khiển điện thoại, thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng…

Cảnh giác với những thủ đoạn mới của tội phạm mạng ảnh 2

Thủ đoạn mới là kẻ gian dán đè QRCode tại các cửa hàng để chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người lo lắng. Ảnh minh họa: U.P

Đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo thống kê có đến 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng có giá trị dưới 10 triệu đồng, chỉ 10% chuyển trên 10 triệu đồng. Do vậy, trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng, qua đó nhằm vô hiệu hóa nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng tồn tại suốt thời gian qua.

“Thực tế, việc xử lý gian lận này không đơn giản. Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng” - ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Trần Nam, Giám đốc Khối Ngân hàng số ACB nhìn nhận, 3 năm qua có sự nở rộ các trường hợp lừa đảo sử dụng công nghệ cao, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Thủ đoạn mới hiện nay là giả mạo ứng dụng thuế, bảo hiểm xã hội có chứa mã độc để theo dõi và đánh cắp thông tin giao dịch.

Cụ thể, hacker dẫn dụ khách hàng nhấp vào link và tải ứng dụng (app) có chứa mã độc. App này có thể là những app giả mạo dịch vụ công (cơ quan thuế, điện lực…), tìm việc làm hoặc game giải trí. Sau đó đối tượng theo dõi và thu thập thông tin đăng nhập mỗi lần khách hàng sử dụng app ngân hàng.

Sau khi có đủ thông tin, hacker sẽ đợi khi tài khoản khách hàng có nhiều tiền hoặc khi không để ý điện thoại (đêm khuya) để điều khiển vào điện thoại của khách hàng thực hiện chuyển tiền và chiếm đoạt.

Thượng tá Cao Việt Hùng cho biết, thủ đoạn mới của tội phạm còn là dán đè mã QRCode tại các cửa hàng để chiếm đoạt tài sản, tạo hóa đơn giả đã chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản; hoặc kẻ xấu giả danh nhân viên ngân hàng, đề nghị khách hàng cung cấp thông tin thẻ và sử dụng trái phép để mua hàng hóa, dịch vụ.

“Nếu khách “dính bẫy” lừa đảo, ngân hàng phong tỏa các kênh chuyển, rút tiền để không phát sinh thêm thiệt hại. Tuy nhiên, “phòng tuyến” quan trọng nhất vẫn là chủ tài khoản ngân hàng.

Khách hàng nên chậm lại để suy nghĩ thấu đáo. Chỉ cần 30 giây thôi sẽ chặn được rất nhiều hành vi lừa đảo, tránh trao “chìa khóa” cho các đối tượng lừa đảo” - ông Nam khuyến cáo.

Thượng tá Cao Việt Hùng - Phó trưởng Phòng 4 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị các ngân hàng tăng cường hơn công tác phối hợp giữa Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng chống mã độc và mua bán dữ liệu khách hàng.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.