Các lực lượng Cách mạng chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, ngày 19/8/1945. Ảnh: T.L |
Biến cuộc mít tinh thành phong trào cách mạng
Gần đây, tôi có dịp được gặp Đại tướng Nguyễn Quyết. Ở tuổi ngoại bách niên, Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Khi đồng chí Phạm Xuân Bình, thư ký của đại tướng giới thiệu tôi là phóng viên báo Tiền Phong, tờ báo của tuổi trẻ, ông vui vẻ bắt tay tôi. Đại tướng cho biết, đã 78 năm qua, nhưng ký ức về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, về những đóng góp của thế hệ trẻ vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc vẫn luôn nguyên vẹn trong ông.
Nói về Cách mạng tháng Tám, Đại tướng Nguyễn Quyết bồi hồi nhớ về những ngày tháng 8/1945, khi ông giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ngày đó, trước tình thế thuận lợi của phong trào cách mạng, đêm 14 và ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ đã họp tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) để quyết định việc chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Riêng Hà Nội, Xứ ủy thấy cần cân nhắc kỹ hơn, vì đây là nơi tập trung cơ quan đầu não lẫn lực lượng quân sự của địch. Tại đây, quân Nhật có hơn một vạn sĩ quan, binh lính với vũ khí được trang bị hiện đại. Lực lượng bảo an binh của chính quyền thân Nhật cũng có hơn một ngàn quân. Trong khi đó, lực lượng của ta chỉ có khoảng 700 người với vũ khí thô sơ. Do vậy, việc thận trọng đặt ra là có cơ sở, nhưng trước mắt, Hà Nội cần thành lập ngay Ủy ban Quân sự để sẵn sàng cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.
Đại tướng Nguyễn Quyết |
Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn), sinh năm 1922 tại tỉnh Hưng Yên, tham gia Cách mạng năm 1939, vào Đảng năm 1940. Từ năm 1943-1945, ông là ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ủy viên quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, ủy viên Chính trị Ủy ban quân sự Hà Nội. Sau khi tham gia quân đội ông đảm nhiệm nhiều vị trí, chức vụ khác nhau; năm 1990 ông được phong quân hàm Đại tướng, là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1987-1991). Từ năm 1987 - 1992, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tương đương Phó Chủ tịch nước ngày nay).
Trong lúc ta đang xem xét thời cơ thì được tin ngày 17/8/1945, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim sẽ tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn để khuếch trương thanh thế. Đây là chính quyền thân Nhật, nhưng lúc này lực lượng của Nhật lại án binh trong doanh trại của mình. Trước tình hình đó, Mặt trận Việt Minh, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cần tập trung lực lượng để biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc vận động người dân tham gia tổng khởi nghĩa. Hôm đó, chiều 17/8, khi Ban tổ chức vừa công bố khai mạc mít tinh thì một thành viên cách mạng đã lên lễ đài, giành lấy micro để nói Phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và hô hào nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cùng lúc đó, trên tầng hai của Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng to được buông xuống, trong khi phía dưới lực lượng của ta đã phất những lá cờ đỏ cầm trong tay, miệng hô vang sẵn sàng góp sức mình để giành độc lập cho nước nhà. Trước sự việc diễn ra quá nhanh, người của chính phủ Trần Trọng Kim lúng túng không kịp phản ứng. Rồi họ hoảng sợ khi thấy phần lớn những người tham gia mít tinh đồng loạt hô: “Ủng hộ Việt Minh” “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”… Sau đó, đại bộ phận người dân tham gia cuộc mít tinh đã cùng với lực lượng cách mạng đi diễu hành qua các phố, khiến địch thêm phần sợ hãi.
Đại tướng Nguyễn Quyết thăm lại địa điểm 40 Hàng Bài, năm 1945 là Trại Bảo An binh, nơi ông đã chỉ huy lực lượng Cách mạng chiếm thành công. Ảnh: T.L |
Tự hào trở thành người dân một nước độc lập
Sau thắng lợi trên, tối 17/8, Ủy ban Quân sự Cách mạng và Thành ủy Hà Nội đã họp gấp để nhận định tình hình và đặt vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc họp hôm đó có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất nhận định lực lượng của địch hiện xuống về tinh thần, nên ta cần nắm thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa. Ý kiến thứ hai cho rằng cần chờ chỉ thị của Trung ương, khi lực lượng của Hà Nội vẫn mỏng để giành chính quyền vào lúc này.
Cuộc họp trên diễn ra suốt đêm 17/8 đến sáng hôm sau. Cuối cùng, Thành ủy Hà Nội với người đứng đầu là Bí thư Nguyễn Quyết quyết định sẽ chủ động Tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8, không sẽ lỡ thời cơ. Bởi đợi thêm, nếu quân Đồng Minh vào để giải giáp quân Nhật thì chưa biết sẽ thế nào. Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, ngày 19/8, lực lượng của ta nhanh chóng chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát của địch mà không tốn một viên đạn. Còn tại Trại Bảo an binh đóng tại 40 phố Hàng Bài, lực lượng của địch với một ngàn quân cố thủ bên trong, không chịu giao nộp vũ khí. Trước tình hình đó, quân ta đã phá cổng, buộc chỉ huy của Trại phải ra gặp. Sau khi thấy không thể chống lại khí thế cách mạng sôi sục đang diễn ra, chỉ huy Bảo an binh chấp nhận giao nộp vũ khí, đầu hàng. Tuy nhiên, tại Hà Nội lúc này vẫn còn hơn một vạn quân Nhật. Họ nghĩ rằng khi lấy được vũ khí tại Trại Bảo an binh, quân ta sẽ tiến hành tiêu diệt chúng nên đã điều xe tăng và binh lính đến uy hiếp hòng chiếm lại trại. Để tránh đổ máu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã chỉ đạo quân ta án binh, rồi cử một đoàn đến Tổng hành dinh của Quân đội Nhật để làm công tác ngoại giao quân sự. Ta đã thuyết phục quân Nhật không nên can thiệp vào nội bộ của người Việt Nam, đổi lại họ sẽ được an toàn để chờ ngày về nước. Trước thực tế đang diễn ra, quân Nhật chấp thuận rời khỏi Trại Bảo an binh, và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thành công trọn vẹn. Qua sự kiện này, Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, thực tiễn Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tại Hà Nội và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này cho thấy, công tác binh vận, địch vận đã đóng góp quan trọng trong thắng lợi chung của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.
Đánh giá về cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tại Hà Nội, đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Thành ủy Hà Nội đã nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, của Bác, đã biết vận dụng một cách sáng tạo tình hình cụ thể lúc bấy giờ để giành chính quyền”.
Sau khi Tổng khởi nghĩa thành công tại Hà Nội, trong chục ngày cuối tháng 8/1945, toàn bộ các tỉnh, thành trong cả nước đã thuộc về chính quyền cách mạng. Ngày 2/9/1945, có mặt trong buổi Lễ trọng đại của dân tộc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết rất xúc động khi được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể nhân dân đến dự tại Quảng trường Ba Đình: “… Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
“Không bao giờ tôi có thể quên được niềm tự hào khi lần đầu tiên trong đời trở thành người dân của một nước độc lập. Tôi nhìn xung quanh, thấy tất cả người dân đều có chung niềm vui như vậy”, Đại tướng Nguyễn Quyết xúc động chia sẻ.