Máy liên hợp thu hoạch lúa mạch trên cánh đồng ở vùng Odesa, Ukraine, ngày 23/6. (Ảnh: Reuters) |
Thoả thuận này sẽ hết hạn vào đầu tuần tới, và Nga dọa sẽ không gia hạn vì nhiều yêu cầu của họ về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón không được đáp ứng. Hai con tàu cuối cùng theo thoả thuận này đang chất hàng tại cảng Odesa trước khi thoả thuận hết hiệu lực.
Một yêu cầu chính của Mátxcơva là tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Ngân hàng này bị Liên minh châu Âu (EU) cô lập từ tháng 6/2022 để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tháng 5 vừa qua, một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố rằng liên minh này sẽ không xem xét khôi phục kết nối cho các ngân hàng Nga.
Tuy nhiên, EU đang xem xét kết nối một chi nhánh của Rosselkhozbank với SWIFT để hỗ trợ các giao dịch ngũ cốc và phân bón, 3 nguồn tin nắm được tình hình nói với Reuters. Ủy ban châu Âu chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Ông Guterres đã đề xuất với Tổng thống Putin cho phép tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen trong vài tháng nữa, để EU có thời gian kết nối chi nhánh của Rosselkhozbank với SWIFT, hai nguồn tin tiết lộ.
Ngày 12/7, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cho biết, ông Guterres đã gửi một lá thư cho Tổng thống Putin để đề xuất cách tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga và đảm bảo ngũ cốc của Ukraine được tiếp tục vận chuyển qua Biển Đen.
"Mục tiêu là loại bỏ rào cản ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính thông qua Ngân hàng Nông nghiệp Nga, một mối quan tâm lớn của Nga, đồng thời cho phép ngũ cốc Ukraine tiếp đi qua Biển Đen", phát ngôn viên Stephane Dujarric nói với báo chí.
Ông Dujarric không cho biết nội dung cụ thể của đề xuất, nhưng cho biết thêm rằng ông Guterres đã trao đổi với tất cả các bên liên quan về vấn đề này và sẵn sàng tiếp tục thảo luận về đề xuất của mình với Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin chưa phản hồi đề nghị về thông tin này.
Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen giữa Nga và Ukraine từ tháng 7/2022, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do tác động của việc phong toả các cảng biển của Ukraine.
Để thuyết phục Nga đồng ý với thỏa thuận, một biên bản ghi nhớ thời hạn 3 năm đã được ký kết vào thời điểm đó. Theo đó, Liên Hợp Quốc đồng ý giúp Nga xuất khẩu lương thực và phân bón ra nước ngoài.
Dù xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm cản trở Nga xuất khẩu hàng hoá.
Để có giải pháp thay thế cho tình trạng ngắt kết nối với SWIFT, Liên Hợp Quốc yêu cầu ngân hàng Mỹ JPMorgan bắt đầu xử lý một số khoản thanh toán xuất khẩu ngũ cốc của Nga với sự đảm bảo từ Chính phủ Mỹ.
Liên Hợp Quốc cũng đang làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) để tạo ra một nền tảng giúp xử lý các giao dịch xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga sang châu Phi, quan chức thương mại của Liên Hợp Quốc cho biết.