Lo ngại xảy ra lấn chiếm đất công
Tại phiên họp ngày 4/7, kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, với 88 đại biểu đồng ý (chiếm 93,6%), HĐND thành phố biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cho biết, thời gian tới, huyện sẽ cùng một số cơ quan của thành phố làm việc với một số bộ, ngành để đề xuất thẩm định Đề án lên quận của huyện. Huyện cũng sẽ tiếp tục duy trì, đầu tư hoàn thiện và nâng cao hơn nữa các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Đông Anh, sau khi thành lập quận sẽ xuất hiện một số vấn đề, như, cơ sở hạ tầng đô thị trên một số lĩnh vực chưa đồng bộ; quỹ đất nông nghiệp ngày một thu hẹp; công tác quản lý Nhà nước từ mô hình chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị bước đầu cần phải có thời gian để ổn định; đội ngũ cán bộ, công chức ban đầu sẽ lúng túng do sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ giữa hai mô hình quản lý. Người dân cũng sẽ mất một khoảng thời gian để thay đổi lại giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc cho phù hợp.
Huyện Đông Anh đang thay đổi từng ngày. |
Do đó, quận sẽ đổi mới công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Trong đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị trong điều kiện xây dựng mô hình chính quyền đô thị; xây dựng và tổ chức thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho đội ngũ cán bộ, công chức khi chuyển sang chính quyền đô thị; thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.
Đông Anh sẽ sớm hoàn thành việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân; tăng cường quản lý tài nguyên, phân bổ hợp lý quỹ đất theo chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, môi trường.
Đối với các xã lên phường, Đông Anh đề xuất áp dụng mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức các phường cơ bản giữ nguyên; bố trí, sắp xếp lại một số chức danh trong phường cho phù hợp với chức năng đơn vị hành chính; lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức về chức năng, quyền hạn của chính quyền đô thị. Riêng các chủ tịch, phó chủ tịch UBND và công chức địa chính - xây dựng của các phường sẽ được bồi dưỡng thêm nội dung chuyên sâu về quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị, quản lý dân cư.
Ngoài ra, khi lên quận cũng sẽ xảy ra vấn đề lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, đầu tư sai quy định pháp luật… Để giải quyết vấn đề này, chính quyền các cấp sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Người dân mong chờ
Ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh), cho biết, người dân xã Kim Chung rất ủng hộ Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh. Kết quả khảo sát đầu tháng ở xã Kim Chung cho thấy, 99,6% người dân được khảo sát đồng ý với đề án.
Theo ông Khang, hiện nay các tiêu chí lên phường của Kim Chung đã cơ bản đầy đủ. Các dự án hạ tầng, giao thông thời gian qua được đẩy mạnh. Hiện nay, 100% đường giao thông trong xã đã được trải nhựa. Mạng lưới nước sạch đã được hoàn thiện, đảm bảo cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, xã có 10 dự án như trường học, trung tâm văn hóa, khu đấu giá… đang được triển khai, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ.
Theo chị Nguyễn Thị Phượng (xã Đông Hội, huyện Đông Anh), nếu Đông Anh trở thành quận sẽ là động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện bứt phá, phát triển. “Đông Anh trở thành quận là một trong những tiền đề quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh- văn hiến- văn minh- hiện đại”, chị Phượng nhận định.